1. Ca lâm sàng
Một bệnh nhân nữ 32 tuổi được lực lượng cứu hỏa giải cứu ra khỏi đám cháy ở nhà. Cô ấy hiện giờ được đưa đến khoa cấp cứu sau khoảng 1 giờ mắc kẹt trong ngọn lửa. Khi khám tại khoa cấp cứu, bệnh nhân có thể trạng trung bình, nặng khoảng 60 kg. Bệnh nhân hôn mê với GCS 5 điểm (E1M4V1), nhịp tim 145/phút, huyết áp 126/74 mmHg. Có dấu hiệu bỏng nông và bỏng sâu ở thân mình, cả cánh tay trên, mông, cổ và mặt (Hình 1). Phần xa chi trên, chi dưới và bộ phận sinh dục tương đối toàn vẹn. Chi lạnh và thời gian tái đổ đầy mao mạch rất chậm. Bệnh nhân được đặt nội khí quản và hỗ trợ thông khí cơ học.
Làm thế nào để lập kế hoạch hồi sức dịch ở bệnh nhân tổn thương bỏng rộng?
Hầu hết bỏng có kích thước nhỏ, có thể kiểm soát tại nhà hoặc điều trị như bệnh nhân ngoại trú. Tuy nhiên, tổn thương bỏng rộng là nguyên nhân chấn thương hàng đầu với bệnh suất và tử suất ngắn hạn cao, đi kèm với những hậu quả về hình thể, kinh tế và xã hội. Tổn thương bỏng rộng gây sốc bỏng (burn shock), đặc trưng bởi tình trạng gia tăng tính thấm thành mạch, thiếu hụt thể tích nội mạch đáng kể và suy giảm tưới máu mô. “Sốc bỏng” cần hồi sức dịch tích cực, đặc biệt trong 24 giờ đầu. Cần hồi sức dịch đầy đủ vì cả hồi sức dịch quá mức hay dưới mức đều liên quan đến kết cục xấu. Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận về sinh lý bệnh của “sốc bỏng”, các nguyên tắc kiểm soát dịch trong bỏng bao gồm lập kế hoạch truyền dịch ban đầu và theo dõi liệu pháp dịch cũng như các biến chứng liên quan đến hồi sức quá mức.
2. Sinh lý bệnh của “sốc bỏng”
- Tổn thương nhiệt trên diện rộng tạo ra sự gián đoạn điện thế xuyên màng của các tế bào, ngay cả những tế bào từ vùng không bị tổn thương, dẫn đến tăng natri nội bào và dịch chuyển nước từ khoang nội mạch sang khoang nội bào.
- Sự gián đoạn xuyên màng này kéo dài trong một vài ngày.
- Tổn thương mô làm hoạt hóa các chất trung gian gây viêm bao gồm bổ thể, histamine, prostaglandins, serotonin và kinin. Các chất trung gian này làm tổn thương tế bào nội mạc và rỏ rỉ mao mạch dẫn đến giảm thể tích nội mạch, mất điện giải và protein vào khoang kẽ gây phù kẽ lan tỏa.
- Sự rò rỉ mao mạch đạt đỉnh 8-12 giờ sau tổn thương và cải thiện dần dần trong 24 đến 36 giờ.
- Các chất trung gian gây viêm vừa gây giãn mạch ở một số giường mạch làm giảm thể tích tuần hoàn tương đối, vừa gây co mạch cục bộ làm tăng hậu gánh tâm thất.
- Các chất trung gian gây viêm còn ức chế tế bào cơ tim. Sự kết hợp giữa giảm thể tích nội mạch, giãn mạch và ức chế cơ tim dẫn đến giảm cung lượng tim và tưới máu mô → “Sốc bỏng” (Hình 2).
3. Đánh giá ban đầu
- Cũng như các tình trạng cấp cứu khác, đánh giá bệnh nhân bỏng cũng bắt đầu bằng ABC (đường thở, hô hấp, và tuần hoàn).
- Những bệnh nhân có GCS ≤8 (do chấn thương đầu, ngộ độc CO hoặc cyanua) hoặc những bệnh nhân nghi ngờ tổn thương đường thở (bỏng mặt, bỏng kéo dài trong không gian kín, lông mũi cháy xém, bồ hóng trong khoang miệng hoặc cổ họng) cần đặt nội khí quản khẩn cấp.
- Những bệnh nhân hít khói hoặc tổn thương phổi do hít cũng cần hỗ trợ thông khí cơ học.
- Trong quá trình đánh giá ban đầu, cần xem xét các khía cạnh sau đây.
3.1. Ước tính diện tích bỏng
- Ở người lớn, cách phổ biến nhất để tính toán diện tích bề mặt toàn cơ thể (TBSA) bị bỏng là “nguyên tắc số 9”.
- Bỏng thượng bì nông không được tính vào diện tích bỏng.
- Theo như “nguyên tắc số 9”, đầu/cổ và cánh tay (trước và sau, bao gồm cả bàn tay) bằng 9% diện tích toàn cơ thể. Phần thân trước, thân sau và chân (trước và sau, bao gồm cả bàn chân) bằng 18% diện tích toàn cơ thể. Vùng bẹn bằng 1% diện tích toàn cơ thể.
- Một cách ước tính diện tích bỏng phổ biến khác là đo bằng bàn tay của bệnh nhân (trừ các ngón tay) — “nguyên tắc bàn tay”. Lòng bàn tay của một người chiếm khoảng 1% diện tích toàn cơ thế.
- Diện tích bỏng >20% TBSA ở người lớn và >10% TBSA ở trẻ em được xem là bỏng lớn cần hồi sức khẩn cấp.
3.2. Độ sâu của bỏng
- Độ sâu của bỏng có thể ước tính dựa vào lâm sàng (Bảng 1). Bệnh nhân bị bỏng bề dày da hoàn toàn (full thickness) >5% cần được chú ý khẩn cấp [1].
Bảng 1: Độ sâu của bỏng
Độ sâu | Hình dạng | Bọng nước | Tái đổ đầy mao mạch | Cảm giác |
Thượng bì | Đỏ da, nhấp nhoáng | Không | Nhanh | Đau |
Bì nông | Da hồng nhạt | Nhỏ | Nhanh | Đau |
Bì sâu | Đỏ da màu anh đào có đốm, khô | Có thể có | Biến mất | Mơ hồ hoặc mất cảm giác |
Bề dày da hoàn toàn | Da đen hoặc trắng, khô | Không | Biến mất | Mất cảm giác |
3.3. Vùng bỏng cụ thể
- Những bệnh nhân bỏng có tổn thương ở những vùng cụ thể như tay, mặt hoặc bộ phận sinh dục cần được chăm sóc chuyên khoa và nên được chuyển đến trung tâm chuyên sâu càng sớm càng tốt.
3.4. Các tình trạng nền
- Những bệnh nhân có bệnh lý nền tim mạch hoặc hô hấp cần được chú ý trong quá trình hồi sức và theo dõi sau đó.
4. Hồi sức dịch
- Nền tảng của hồi sức bỏng là khôi phục thể tích nội mạch mà không gây ra tác hại quá mức do quá tải dịch.
- Nhiều công thức đã được mô tả trong hồi sức bỏng. Các công thức này tính cả trọng lượng của bệnh nhân và tỷ lệ phần trăm tổng diện tích bề mặt cơ thể bị bỏng (được tính theo “nguyên tắc số 9”) và đưa ra ước tính về tốc độ hồi sức dịch ban đầu.
- Hai công thức phổ biến là “công thức Parkland” và “công thức Brooke sửa đổi”
4.1. Công thức Parkland
- Khuyến cáo truyền 4 ml/kg/%TBSA Ringer lactate trong 24 giờ đầu tiên, với một nửa thể tích dịch tính toán được truyền trong 8 giờ đầu sau bỏng và một nửa còn lại truyền trong 16 giờ tiếp theo.
- Ví dụ: Một bệnh nhân 70 kg bị bỏng 60% thì thể tích dịch hồi sức tính toán ban đầu trong 24 giờ sẽ là 4 mL x 70 x 60 = 16,800 mL. Từ thể tích này, 8400 mL sẽ được truyền trong 8 giờ đầu. Do đó, tốc độ truyền dịch ban đầu sẽ là 1L/giờ Ringer lactate.
- Đối với trẻ em, gộp luôn cả thể tích dịch duy trì thông thường vào thể tích tính được từ công thức Parkland.
4.2. Công thức Brooke sửa đổi
- Công thức này khuyến nghị truyền Ringer lactate với tốc độ 2 ml/kg/%TBSA trong 24 giờ đầu sau bỏng.
- Trong một nghiên cứu trên 52 bệnh nhân bỏng rộng, so sánh giữa hồi sức bằng công thức Parkland và hồi sức bằng công thức Brooke sửa đổi, Chung và cộng sự không tìm thấy bất kỳ sự khác biệt nào về kết cục chính giữa 2 nhóm [2].
- Hiệp hội Bỏng Hoa Kỳ (ABA) khuyến cáo tốc độ hồi sức dịch là 2-4 ml/kg/%TBSA trong 24 giờ đầu [3].
5. Theo dõi
- Trong quá trình hồi sức, cần theo dõi định kỳ bệnh nhân bỏng để đảm bảo hồi sức đầy đủ và tránh tình trạng quá tải dịch.
- Theo dõi lượng nước tiểu mỗi giờ đã được công nhận rộng rãi là công cụ theo dõi trong hồi sức bỏng. ABA khuyến nghị mục tiêu nước tiểu là 0.5-1 ml/kg/h hoặc xấp xỉ 30-50 ml/h ở người lớn và 1-2 ml/kg/h ở trẻ em, nếu lượng nước tiểu dưới 30 ml/h trong một vài giờ, gia tăng tốc độ truyền dịch [3]. Ngược lại, nếu lượng nước tiểu trên 50 ml/h trong một vài giờ, nên giảm tốc độ truyền dịch để tránh quá tải dịch.
- Các công cụ theo dõi cơ bản khác được sử dụng tại giường như tri giác, huyết áp, nhịp tim, hemoglobin/hct, lactate và kiềm dư.
- Các nhà nghiên cứu khuyến nghị sử dụng áp lực tĩnh mạch trung tâm (CVP), áp lực mao mạch phổi bít (PCWP) hoặc các thông số theo dõi đáp ứng bù dịch để tối ưu hóa tiền gánh và bảo tồn cung lượng tim.
- Trong một RCT, 50 bệnh nhân với diện tích bỏng >20%TBSA được phân ngẫu nhiên vào nhóm hồi sức dịch dựa theo công thức Parkland và nhóm thực hiện chiến lược bù dịch dưới hướng dẫn của phương pháp hòa loãng nhiệt (TDD). Mặc dù được nhận thể tích dịch hồi sức cao hơn đáng kể (>11 lít trong 24 giờ đầu), mục tiêu cung lượng tim không thể đạt được trong nhóm TDD [4].
- ABA không khuyến cáo theo dõi thường quy các thông số tiền gánh hoặc cung lượng tim trong giai đoạn hồi sức ban đầu, ngoại trừ những bệnh nhân lớn tuổi hoặc những bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc những bệnh nhân không đáp ứng đầy đủ với dịch truyền [3].
- Một cách tiếp cận đề xuất để theo dõi hồi sức bệnh nhân bỏng tại ICU được trình bày trong Bảng 2.
Bảng 2: Chiến lược theo dõi trong quá trình hồi sức bệnh nhân bỏng rộng
Sớm <24 giờ | Muộn >24 giờ | Đề kháng muộn |
- Dịch truyền là liệu pháp cứu mạng.
- Truyền dịch tự do. | - Dịch truyền là một marker sinh học.
- Duy trì tình trạng đẳng dịch. | - Dịch truyền gây hại.
- Tránh quá tải dịch.
- Đảo thải dịch có mục tiêu. |
- Theo dõi cơ bản.
- Xem xét sử dụng: huyết áp động mạch xâm lấn, siêu âm, theo dõi cung lượng tim ở những bệnh nhân nguy cơ cao. | - Theo dõi cơ bản.
- Xem xét sử dụng: thông số đáp ứng bù dịch, siêu âm, theo dõi cung lượng tim. | - Theo dõi cơ bản.
- Xem xét sử dụng: thể tích nước ngoài mạch máu phổi, siêu âm phổi. |
6. “Fluid Creep”
Những bệnh nhân bỏng thường xuyên được nhận lượng dịch nhiều hơn thể tích được dự đoán theo công thức. Bác sĩ Basil Pruitt đã sử dụng thuật ngữ “fluid creep” để mô tả hiện tượng này [5].
“Fluid creep” có thể làm nặng thêm tình trạng phù mô kẽ, gia tăng áp lực trong các khoang kín (bao gồm áp lực ổ bụng, áp lực nhãn cầu, áp lực khoang chi), giảm tưới máu mô/cơ quan và gây rối loạn chức năng mô/cơ quan (bao gồm hội chứng khoang bụng, tổn thương thận cấp, tổn thương thần kinh thị hoặc cơ chi dưới) [6]. Một số điểm quan trọng liên quan đến hiện tượng “fluid creep” được mô tả dưới đây:
- Gia tăng thể tích dịch liên quan đến gia tăng nguy cơ biến chứng.
- Nhưng mối quan hệ giữa tỷ lệ biến chứng và thể tích dịch truyền không hề tuyến tính, đặc biệt đối với hội chứng khoang bụng và gia tăng áp lực nhãn cầu, trừ khi tổng lượng dịch vượt quá “chỉ số Ivy” >250 ml/kg/%TBSA [7-9].
- Điều này đơn giản có nghĩa là, ít nhất đối với một số bệnh nhân, nhu cầu gia tăng lượng dịch hồi sức là một hiện tượng bình thường.
- Nhu cầu dịch truyền gia tăng khi diện tích bỏng lớn hơn, nhưng không tương xứng [10].
- Một dưới nhóm (subgroup) những bệnh nhân bỏng cần thể tích dịch hồi sức lớn hơn.
- Trong báo cáo ban đầu, Baxter và cộng sự đã lưu ý đến những bệnh nhân đến muộn, bỏng sâu hơn và tổn thương do hít chắc chắn cần nhiều dịch hơn dự đoán [11].
- Truyền opioids để giảm đau gây giãn mạch và tụt huyết áp. Điều này có thể dẫn đến hồi sức dịch nhiều hơn. Sullivan và cộng sự đã mô tả hiện tượng này là “opioid creep” [12].
- Hồi sức bỏng với lượng dịch hồi sức khởi đầu cao hơn sẽ kết thúc bằng việc nhận được tổng lượng dịch nhiều hơn — “dịch sinh ra nhiều dịch hơn”.
- Hiện tượng này đã được chứng minh rõ ràng bởi Chung và cộng sự khi kiểm tra mối quan hệ nhân quả về bỏng của quân đội Hoa Kỳ. Họ quan sát thấy rằng những bệnh nhân này mặc dù có các đặc điểm cơ bản tương tự nhau nhưng đã nhận được nhiều dịch hơn đáng kể khi họ khởi đầu với công thức Parkland (4 ml/kg/%TBSA) so với công thức Brooke sửa đổi (2 ml/kg/%TBSA) [2].
- Điều này có thể liên quan đến thể tích dịch tinh thể bị tích lũy trong khoang kẽ trong giai đoạn hồi sức ban đầu và thay đổi kết cấu collagen - acid hyaluronic của nó.
- Tốc độ hồi sức dịch ban đầu cần được chuẩn độ dựa vào lượng nước tiểu mỗi giờ của bệnh nhân, gia tăng tốc độ truyền dịch nếu lượng nước tiểu giảm và ngược lại. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã cho thấy các bác sĩ ít khi giảm tốc độ truyền dịch khi lượng nước tiểu gia tăng, tiềm tàng nguy cơ dẫn đến “fluid creep” [10].
- Xu hướng hiện nay là “hồi sức định hướng mục tiêu” trong ICU với mục tiêu về cung lượng tim và thanh thải lactate có thể góp phần làm gia tăng lượng dịch hồi sức không cần thiết [6].
7. Kiểm soát “Fluid Creep”
Hãy nhớ rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến “Fluid Creep”, tất cả các quy trình hồi sức phải linh hoạt để có thể giải quyết tất cả các vấn đề được mô tả trong phần trước. Các phương thức sau đây có thể hữu ích trong việc ngăn chặn hoặc đảo ngược “fluid creep”.
- Giảm tốc độ truyền dịch: Như đã thấy bởi Chung và cộng sự, tốc độ truyền dịch ban đầu thấp hơn có thể làm giảm nguy cơ “fluid creep” nói chung [2].
- Một lưu ý khác là tránh phản ứng quá vội vã với tụt huyết áp là bolus dịch để khôi phục huyết áp [6]. Tụt huyết áp có nhiều khả năng là do bản thân tổn thương (do đau, giãn mạch) và thường không liên quan đến tình trạng thể dịch.
- Tuân thủ mục tiêu lượng nước tiểu: Giảm tốc độ truyền dịch nếu lượng nước tiểu vượt mục tiêu.
- Giảm tưới máu mô chấp nhận được (permissive hypoperfusion): Trong một nghiên cứu đơn trung tâm trên những bệnh nhân nhi bị bỏng 15% TBSA, khởi đầu hồi sức dịch với tốc độ 2 mL/kg/%TBSA + 80% nhu cầu dịch duy trì được tính toán [13]. Mục tiêu lượng nước tiểu là 0.5 ml/kg/h (so sánh với mục tiêu 1 ml/kg được đề xuất bởi Guideline) miễn là bệnh nhi vẫn có dấu hiệu tưới máu mô tốt về mặt lâm sàng và không nhiễm toan.
- So sánh với nhóm chứng (nghĩa là nhóm bệnh nhân trước đây từ cùng một trung tâm và bệnh nhân từ các trung tâm xung quanh được điều trị theo hướng dẫn tiêu chuẩn), bệnh nhân trong nhóm giảm tưới máu chấp nhận được có tỷ lệ nhập ICU thấp hơn, thời gian nằm viện ít hơn mà không có bất kỳ sự gia tăng nào về rối loạn chức năng thận hoặc độ sâu của bỏng [13]
- Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu này cần được xác thực ở các trung tâm khác với diện tích bỏng lớn hơn và trên quần thể bệnh nhân người lớn, trước khi được áp dụng rộng rãi.
- Sử dụng dịch keo hợp lý: Trong 8-12 giờ đầu hồi sức, khi tính thấm mao mạch cao, truyền dung dịch keo không hề đem lại lợi ích. Nhưng sau 12-18 giờ, dịch keo có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa “fluid creep” và cũng có thể là liệu pháp cứu mạng trong giai đoạn này [6].
- Albumin là dịch keo được sử dụng rộng rãi nhất cho mục đích này. Trong một tổng quan hệ thống gần đây, truyền albumin đã được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong và giảm tần suất xuất hiện hội chứng khoang [14].
- Một cách tiếp cận được đề xuất là tính toán thể tích dịch hồi sức dự kiến trong 24 giờ, sau 12 đến 18 giờ truyền dịch ban đầu nếu thể tích dịch dự kiến vượt quá 6 ml/kg/%TBSA, bắt đầu truyền Albumin 5% [15].
- Một lựa chọn khác là sử dụng plasma tươi đông lạnh (FFP). Trong một RCT, hồi sức bằng FFP được chứng minh là giảm nhu cầu lượng dịch truyền và giảm nguy cơ hội chứng khoang bụng so với hồi sức bằng dịch tinh thể [16]. Tuy nhiên những lợi ích này của FFP cần được cân bằng với các tác dụng có hại như lây truyền mầm bệnh qua đường máu, chi phí và tổn thương phổi cấp liên quan truyền máu (TRALI).
- Nên tránh sử dụng HES (hydroxyethyl starch) và các dịch keo tổng hợp khác vì chúng liên quan đến việc tăng tỷ lệ tử vong, tổn thương thận cấp và bệnh lý đông máu trong hồi sức sốc nhiễm khuẩn.
- Nước muối ưu trương: Dung dịch muối ưu trương đã được đề xuất như một công cụ tiềm năng để giảm thể tích dịch hồi sức và “fluid creep”. Tuy nhiên, chiến lược sử dụng nước muối ưu trương đã không được chứng minh trong bất kỳ nghiên cứu ngẫu nhiên nào cho đến nay [17].
- Ngoài ra, lợi ích tiềm năng của nước muối ưu trương cần được cân bằng với nguy cơ tăng natri máu và tổn thương thận cấp [6].
- Acid ascorbic liều cao: Acid ascorbic đã được chứng minh là làm giảm nhu cầu dịch truyền trong nhiều nghiên cứu nhỏ, có lẽ là thông qua tác dụng của nó đối với các tế bào nội mạc (”thắt chặt” hàng rào nội mạc).
- Dữ liệu đăng ký gần đây của Nhật Bản cho thấy acid ascorbic liều cao (tối thiểu 10 gam trong 2 ngày đầu sau khi bỏng) có liên quan đến việc giảm tỷ lệ tử vong trong tổn thương bỏng nặng [18]
- Lọc máu: Trong một số trường hợp có chọn lọc, có thể sử dụng lọc máu để điều trị “fluid creep” và làm giảm áp lực ổ bụng [6].
8. Tiếp tục với ca lâm sàng
- Ca lâm sàng mô tả một trường hợp bỏng nặng với %TBSA xấp xỉ 55% (đầu và cổ — 9%, ngực và bụng — 18%, lưng — 18%, phần gần chi trên (cả hai) — 9%).
- Nguyên nhân gây hôn mê ở bệnh nhân có thể do ngộ độc hoặc chấn thương đầu hoặc do hít phải khí độc (CO hoặc cyanua) hoặc suy hô hấp tăng CO2 máu do tổn thương phổi do hít. Bệnh nhân cần được đặt nội khí quản khẩn cấp vì GCS thấp và khả năng có tổn thương do hít (bỏng vùng mặt).
- Những xét nghiệm ban đầu của bệnh nhân bao gồm công thức máu, đặc biệt là haemoglobin/hct; khí máu động mạch bao gồm cả CO-oxymetry (khảo sát tình trạng oxy hóa, pH, kiềm dư, PaCO2, lactate và nồng độ carboxyhaemoglobin); các xét nghiệm về chức năng thận bao gồm cả điện giải đồ; đường máu; Creatine Kinase (CK) để tìm kiếm bằng chứng tiêu cơ vân tiềm tàng và tổng phân tích nước tiểu. Nên chụp CT sọ não để loại trừ các chấn thương khác.
- Khởi đầu hồi sức dịch ngay lập tức. Thể tích dịch tính toán trong 24 giờ đầu bằng công thức Parkland là 4 x 60 x 55 = 13,200 mL. Với 6600 mL Ringer lactate được truyền trong 7 giờ (bệnh nhân nhập cấp cứu trễ 1 giờ) với tốc độ ban đầu xấp xỉ 950 ml/h. Tốc độ truyền dịch cần được điều chỉnh trong những giờ sau đó dựa vào lượng nước tiểu theo dõi mỗi giờ.
- Truyền dịch tinh thể đẳng trương (Ringer lactate) là nền tảng trong hồi sức bỏng. Tốc độ truyền dịch ban đầu cần được tính toán dựa vào các công thức được chấp thuận như Parkland hoặc Brooke sửa đổi.
- Tốc độ truyền dịch ban đầu nên được điều chỉnh dựa vào mục tiêu lượng nước tiểu.
- Nên theo dõi huyết động xâm lấn ở những bệnh nhân nguy cơ cao và ở những bệnh nhân không đáp ứng với hồi sức dịch ban đầu.
- “Fluid creep” là hiện tượng phổ biến và nên được chú ý trong quá trình hồi sức.
- Một phương pháp tiềm năng để hạn chế hiện tượng “fluid creep” là truyền albumin ở thời điểm 12-18 giờ đối với những bệnh nhân có thể tích dịch hồi sức mong đợi trong 14 giờ vượt quá 6 ml/kg/%TBSA.
Tài liệu tham khảo
- Enoch S, Roshan A, Shah M. Emergency and early management of burns and scalds. BMJ. 2009;338:b1037.
- Chung KK, Wolf SE, Cancio LC, Alvarado R, Jones JA, McCorcle J, et al. Resuscitation of severely burned military casualties: fluid begets more fluid. J Trauma. 2009;67:231–7.
- Pham TN, Cancio LC, Gibran NS, American Burn Association. American burn association practice guidelines burn shock resuscitation. J Burn Care Res. 2008;29:257–66.
- Holm C, Mayr M, Tegeler J, Hörbrand F, Henckel von Donnersmarck G, Mühlbauer W, Pfeiffer UJ. A clinical randomized study on the effects of invasive monitoring on burn shock resuscitation. Burns. 2004;30:798–807.
- Pruitt BA Jr. Protection from excessive resuscitation: “pushing the pendulum back”. J Trauma. 2000 Sep;49(3):567–8.
- Saffle JR. Fluid creep and over-resuscitation. Crit Care Clin. 2016;32:587–98.
- Klein MB, Hayden D, Elson C, Nathens AB, Gamelli RL, Gibran NS, et al. The association between fluid administration and outcome following major burn: a multicentre study. Ann Surg. 2007;245:622–8.
- Ivy ME, Atweh NA, Palmer J, Possenti PP, Pineau M, D'Aiuto M. Intra-abdominal hypertension and abdominal compartment syndrome in burn patients. J Trauma. 2000;49:387–91.
- Markell KW, Renz EM, White CE, Albrecht ME, Blackbourne LH, Park MS, et al. Abdominal complications after severe burns. J Am Coll Surg. 2009;208:940–7.
- Cancio LC, Chávez S, Alvarado-Ortega M, Barillo DJ, Walker SC, McManus AT, Goodwin CW. Predicting increased fluid requirements during the resuscitation of thermally injured patients. J Trauma. 2004;56:404–13.
- Baxter CR. Problems and complications of burn shock resuscitation. Surg Clin North Am. 1978;58:1313–22.
- Sullivan SR, Friedrich JB, Engrav LH, Round KA, Heimbach DM, Heckbert SR, et al. “Opioid creep” is real and may be the cause of “fluid creep”. Burns. 2004;30:583–90.
- Walker TL, Rodriguez DU, Coy K, Hollén LI, Greenwood R, Young AE. Impact of reduced resuscitation fluid on outcomes of children with 10-20% body surface area scalds. Burns. 2014;40:1581–6.
- Navickis RJ, Greenhalgh DG, Wilkes MM. Albumin in burn shock resuscitation: a meta-analysis of controlled clinical studies. J Burn Care Res. 2016;37:e268–78.
- Chung KK, Blackbourne LH, Wolf SE, White CE, Renz EM, Cancio LC, Holcomb JB, Barillo DJ. Evolution of burn resuscitation in operation Iraqi freedom. J Burn Care Res. 2006;27:606–11.
- O’Mara MS, Slater H, Goldfarb IW, Caushaj PF. A prospective, randomized evaluation of intra-abdominal pressures with crystalloid and colloid resuscitation in burn patients. J Trauma. 2005;58:1011–8.
- Huang PP, Stucky FS, Dimick AR, Treat RC, Bessey PQ, Rue LW. Hypertonic sodium resuscitation is associated with renal failure and death. Ann Surg. 1995;221:543–54.
- Nakajima M, Kojiro M, Aso S, Matsui H, Fushimi K, Kaita Y, et al. Effect of high-dose vitamin C therapy on severe burn patients: a nationwide cohort study. Crit Care. 2019;23:407.