Từ viết tắt:
- KMĐM = Khí máu động mạch (ABG)
- KMTM = Khí máu tĩnh mạch (VBG)
- SpO2 = Độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (pulse oximetry)
Đánh giá khả năng oxy hóa
Những ưu điểm của SpO2 so với KMĐM
SpO2 được sử dụng rộng rãi hơn để đánh giá khả năng oxy hóa mô so với KMĐM. Điều này là do SpO2 có rất nhiều ưu điểm so với KMĐM. Nhìn chung, SpO2 là công cụ mặc định để đánh giá khả năng oxy hóa mô.
SpO2 là phép đo về cung cấp oxy (DO2) tốt hơn so với PaO2
(Cung cấp oxy hệ thống) = 13.4 x (cung lượng tim) x (hemoglobin) x (độ bão hòa oxy máu)
- Hàm lượng oxy trong máu phụ thuộc trực tiếp nhất vào độ bão hòa oxy - không phải là PaO2. Do đó, Khi xem xét liệu oxy có được cung cấp đủ cho mô hay không, độ bão hòa oxy máu quan trọng hơn PaO2.
- Máy đo KMĐM tại giường (di động) thường đo giá trị pO2 rồi từ đó ước tính ra độ bão hòa oxy máu. Như vậy, máy đo KMĐM tại giường có thể cung cấp giá trị DO2 dưới mức so với SpO2 (đo trực tiếp độ bão hòa oxy máu).
Khí máu động mạch đôi khi bị lấy nhầm thành tĩnh mạch
- ~10-15% giá trị khí máu động mạch thực ra lại là khí máu tĩnh mạch (nếu máu không được lấy trực tiếp từ catheter động mạch).
- Khả năng sử dụng oxy ở bàn tay không quá cao, vì vậy mẫu máu tĩnh mạch thường có mức oxy chỉ thấp hơn một chút so với máu động mạch (vì vậy thường khó xác định rõ đó là máu động mạch hay tĩnh mạch khi nhìn bằng mắt).
KMĐM có vấn đề về mặt hậu cần (xâm lấn, gây đau, tốn thời gian, tốn kém)
- Tổng chi phí để lấy máu và phân tích KMĐM là gần ~$200. Một lần lấy KMĐM thường dẫn đến một lần lấy KMĐM tiếp theo hoặc là một loạt lần lấy KMĐM sau đó để ‘theo dõi’, do đó chi phí có thể tăng lên nhanh chóng.
- Lấy KMĐM có thể làm trì hoãn việc chăm sóc, vì các bác sĩ lâm sàng phải chờ kết quả khí máu trước khi đưa ra quyết định. Trong nhiều tình huống, quyết định lâm sàng có thể được đưa ra nhanh chóng và chính xác hơn chỉ dựa trên dữ liệu lâm sàng có sẵn (ví dụ: quyết định liên quan đến đặt NKQ).
- Nếu đặt catheter động mạch xâm lấn để tạo điều kiện lấy khí máu động mạch dễ dàng, điều này có thể dẫn đến mất máu đáng kể do lấy máu (2356936).
KMĐM là một công cụ theo dõi kém
- KMĐM chỉ cung cấp một ‘bức tranh’ tạm thời không liên tục về khả năng oxy hóa mô, so với SpO2 (có thể cung cấp hàng nghìn điểm dữ liệu trong cùng một khung thời gian).
- Giá trị KMĐM thường không thể theo dõi diễn tiến chung của bệnh nhân, ví dụ:
- (1) Những bệnh nhân COPD hoặc hen phế quản được điều trị bằng BiPAP thường sẽ thấy công thở được cải thiện ngay lập tức với giá trị KMĐM chưa thay đổi. Bệnh nhân đang thở ít mệt hơn với mức PaCO2 tương tự - đây là một sự cải thiện lớn về mặt lâm sàng. Giá trị KMĐM cuối cùng sẽ được cải thiện, nhưng chúng chỉ có thể thay đổi sau một vài giờ.
- (2) Có sự dao động ngẫu nhiên đáng kể giữa các giá trị KMĐM nối tiếp (sẽ được thảo luận thêm ở phần dưới). Bất kỳ công cụ theo dõi gián đoạn nào với sự dao động ngẫu nhiên sẽ có xu hướng gây hiểu lầm về tình trạng của bệnh nhân.
Các giá trị PaO2 thường khiến ta lo âu
- Giá trị PaO2 luôn thấp hơn nhiều so với giá trị độ bão hòa oxy:
- Độ bão hòa oxy 90% tương quan với PaO2 ~60 mmHg.
- Độ bão hòa oxy 88% có thể xảy ra với giá trị PaO2 ~55 mmHg.
- Các giá trị PaO2 ở ngưỡng 50 thường khiến ta lo lắng quá mức, mặc dù thực tế rằng chúng tương quan với độ bão hòa oxy thích hợp (đặc biệt ở những bệnh nhân bị hạ oxy máu mạn). Điều này có thể dẫn đến sự leo thang không cần thiết trong việc chăm sóc và cung cấp oxy quá mức.
Những tình huống mà KMĐM cần thiết
Sóng động mạch yếu
- Những bệnh nhân có tưới máu hệ thống kém đôi khi sẽ có dạng sóng SpO2 không đáng tin cậy. Những bệnh nhân như vậy rõ ràng cần phải phân tích khí máu động mạch để đánh giá tình trạng oxy hóa của họ.
- Tuy nhiên, làm ơn lưu ý rằng - mất sóng SpO2 gợi ý tình trạng giảm tưới máu mô nặng. Những bệnh nhân này thường có vấn đề về tưới máu hơn là vấn đề về khả năng oxy hóa. Vì vậy, có được khí máu động mạch để đánh giá oxy hóa là rất tốt, nhưng trọng tâm chính của việc quản lý thường là phục hồi tưới máu hệ thống.
Rối loạn hemoglobin máu
- SpO2 sẽ không chính xác khi có rối loạn hemoglobin máu (vd: methemoglobin máu, sulfhemoglobin máu).
- Thảo luận thêm về methemoglobin máu tại đây → 📖
Tỷ P/F
- Tỷ P/F được sử dụng để đánh giá oxy hóa ở những bệnh nhân thở máy. Đây không phải là một chỉ số quá tuyệt (vì nó không tính đến PEEP). Tuy nhiên, P/F thường được sử dụng như một chỉ định của thông khí nằm sấp (dựa trên việc sử dụng tỷ số này trước đây trong các RCT).
- Thảo luận thêm về thông khí nằm sấp trong ARDS tại đây → 📖
A-a gradient
A-a gradient là gì?
- A-a gradient là sự chênh áp giữa PO2 hít vào và PaO2 của bệnh nhân. Đây là một phép đo về chức năng phổi, giá trị này tăng lên khi có sự bất tương xứng V/Q và/hoặc shunt.
- Để đo chính xác A-a gradient, cần lấy khí máu động mạch ở một bệnh nhân thở khí trời.
Khi nào thì A-a gradient có ích?
- Một giá trị A-a gradient bình thường có thể giúp phân biệt giữa lo âu, rối loạn chức năng dây thanh âm, hoặc hen phế quản nặng:
- A-a gradient sẽ bình thường khi lo âu hoặc rối loạn chức năng dây thanh âm.
- A-a gradient sẽ tăng trong hen phế quản nặng.
- Giá trị A-a gradient bình thường đôi khi có lợi giúp chẩn đoán một bệnh nhân bị hạ oxy máu nhẹ do giảm thông khí kín đáo (vd: nhu cầu oxy 1-2 lít).
Giá trị A-a gradient nhìn chung không có ích trong môi trường ICU
- Bất kỳ bệnh nhân nào bị hạ oxy máu nặng (vd: nhu cầu oxy >1-2 lít) sẽ có A-a gradient tăng. Trên thực tế, hầu hết bệnh nhân bị thiếu oxy máu trầm trọng đều nhận được quá nhiều oxy khiến việc đo A-a gradient không chính xác (phải để bệnh nhân ở không khí phòng trong 10-15 phút để có được khí máu động mạch khi thở khí trời).
Những bệnh nhân da đen
- SpO2 được tối ưu để sử dụng ở những bệnh nhân có da sáng màu.
- Rất nhiều nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng ở những bệnh nhân có màu da tối, SpO2 bị giảm độ chính xác với độ lệch trung bình ~+2% (vì vậy SpO2 sẽ chẩn đoán dưới mức tình trạng thiếu oxy ở bệnh nhân da đen). (33326721, 34592317, 35100193, 35231085, 35639368)
- Cần nhiều nghiên cứu hơn để so sánh các máy đo SpO2 khác nhau, nhưng vấn đề này dường như phổ biến ở nhiều hãng sản xuất.
Sao cái SpO2 này phân biệt chủng tộc dữ vậy trời 😅
Ý nghĩa lâm sàng?
- Cần chỉ định lấy KMĐM rộng rãi hơn ở những bệnh nhân có màu da tối nếu điều này tác động đến việc quản lý lâm sàng (vd: trong điều trị viêm phổi COVID, tình trạng hạ oxy máu là một chỉ định nhập viện, cung cấp oxy, dexamethasone, và baricitinib).
- Độ bão hòa oxy máu vẫn là một công cụ hữu ích giúp theo dõi xu hướng oxy hóa.
- Nhắm mục tiêu SpO2 cao hơn ~2% so với bình thường có thể hợp lý. Tuy nhiên, vì độ chính xác ở bệnh nhân da đen giảm nên việc trừ 2% khỏi giá trị SpO2 đo được cũng không thể giải quyết hoàn toàn vấn đề.
Những nguyên nhân khác khiến SpO2 không chính xác (hiếm gặp)
- Sơn móng tay móng chân.
- Truyền thuốc nhuộm tĩnh mạch (vd: xanh methylene) (26179876).
- Nhiễu do vận động (đặc biệt là run).
- Mạch đập tĩnh mạch (vd: hở van 3 lá nặng kết hợp với hạ huyết áp tâm thu có thể khiến mạch đập ưu thế được phát hiện là tĩnh mạch hơn là động mạch).
Đánh giá khả năng thông khí
KMTM trong đánh giá pH và thông khí
Khí máu tĩnh mạch ngoại vi là một test nhân đạo và thuận tiện hơn:
- KMTM có thể thu được từ việc lấy máu tĩnh mạch thường quy trong các xét nghiệm khác.
- Có thể sử dụng catheter tĩnh mạch ngoại vi để rút một lượng máu tĩnh mạch nhỏ để phân tích (mà không cần phải đâm kim rút máu riêng biệt ở vị trí khác).
Không thể sử dụng KMTM để đánh giá khả năng oxy hóa, nhưng nó đủ để đánh giá pH và khả năng thông khí (pH và pCO2).
Sự khác biệt giữa các giá trị KMĐM và KMTM tỷ lệ thuận với sự chênh lệch độ bão hòa oxy giữa động mạch và tĩnh mạch (độ bão hòa oxy chênh lệch càng ít, sự khác biệt càng ít):
Sự thật sinh lý này đã được chứng minh thực nghiệm bằng cách sử dụng nhiều bộ dữ liệu khác nhau → 📖. Điểm mấu chốt ở đây là nếu độ bão hòa oxy ở KMTM cao một cách thích hợp, các giá trị KMTM sẽ rất gần với giá trị ở KMĐM (hình dưới). Nếu tránh được việc garo quá lâu hoặc phân tích khí máu chậm trễ, có thể cho phép sử dụng KMTM thay cho KMĐM.
etCO2
- EtCO2 luôn luôn nhỏ hơn PaCO2 động mạch. Sự chênh lệch này phụ thuộc vào chức năng hô hấp.
- Đối với bệnh nhân không có bệnh lý phổi, PaCO2 thường cao hơn etCO2 ~5-15 mmHg. Vì vậy, nếu bạn nhắm mục tiêu etCO2 30 mmHg, PaCO2 của bệnh nhân sẽ rơi vào giới hạn an toàn (35-45 mmHg).
- Phép đo etCO2 có thể cho phép loại bỏ hầu hết các phép đo KMĐM/KMTM ở những bệnh nhân thở máy (thảo luận thêm tại đây → 📖).
Các chủ đề bổ sung liên quan đến SpO2
Dạng sóng SpO2
- Co mạch tạo ra sóng ngắn, rộng. Trong khi giãn mạch tạo ra sóng hẹp, cao.
- Đây là sự cân bằng điện của một mạch đập yếu (co mạch) với một mạch đập “dội” (giãn mạch).
- Khi giãn mạch càng nặng, khuyết mạch dội (dicrotic notch) càng di chuyển ra xa biên độ đỉnh (đỉnh sóng).
Chỉ số tưới máu (PI)
Cơ bản
- Chỉ số tưới máu (perfusion index) là tỷ số giữa thể tích máu khi mạch đập và thể tích máu tĩnh. Điều này phần lớn phản ánh sự tương tác giữa thể tích nhát bóp (stroke volume) và trương lực mạch máu (vascular tone). (34660615)
- Chỉ số tưới máu (PI) có thể dao động từ 0.02% đến 20%.
- Việc diễn giải cần có một số thành tố:
- Ý nghĩa lâm sàng phụ thuộc phần lớn vào bối cảnh lâm sàng.
- Sự thay đổi theo thời gian của PI (xu hướng) có thể ý nghĩa hơn một giá trị PI tuyệt đối.
- PI được sử dụng tốt nhất để phát hiện các trạng thái sinh lý bệnh có tác động trái ngược lên thể tích nhát bóp và trương lực mạch, ví dụ:
- Sốc tim và sốc giảm thể tích có xu hướng làm giảm thể tích nhát bóp và tăng trương lực mạch - vì vậy chúng làm giảm PI.
- Sốc nhiễm khuẩn có thể giảm cả thể tích nhát bóp và trương lực mạch — tạo ra tác động không thể dự đoán lên PI.
Những ứng dụng tiềm năng của PI trên lâm sàng
⚠️ Những ứng dụng dưới đây chưa được xác thực rộng rãi ở các nhóm bệnh nhân khác nhau và các thiết bị khác nhau.
- Xác định độ chính xác của SpO2: PI dưới ~0.3 gợi ý rằng giá trị SpO2 có thể kém chính xác (mặc dù có thể thay đổi giữa các thiết bị khác nhau). (Lee 2020)
- Xác định sớm tình trạng giảm thể tích tuần hoàn sau chấn thương: PI <1 có thể là dấu hiệu sớm của xuất huyết. (32439257)
- Dự đoán tụt huyết áp khi lọc máu: PI trước lọc <1.8 có thể dự đoán nguy cơ tụt huyết áp trong lọc máu thẩm tách ngắt quãng. (31881971)
- Dự đoán khả năng đáp ứng bù dịch: Tăng PI >10% trong nghiệm pháp nâng chân thụ động có thể dự báo đáp ứng bù dịch (30658663).
- Dự đoán cai máy thành công: Tăng PI >40% trong thử nghiệm thở tự nhiên có thể dự báo rút NKQ thành công. (32036499)
Hạn chế của PI
- Co mạch cục bộ có thể phản ánh tình trạng hạ thân nhiệt hoặc nhiệt độ môi trường lạnh (chứ không phải co mạch toàn thân).
- Tắc nghẽn động mạch hoặc tĩnh mạch tại chỗ có thể ảnh hưởng đến PI.
- Chèn ép đầu ngón bởi bản thân máy đo SpO2 có thể làm giảm PI.
- Mạch đập tĩnh mạch do hở van 3 lá về mặt lý thuyết có thể ảnh hưởng PI.
- Các giá trị PI có thể khác nhau giữa các thiết bị khác nhau, vì vậy giá trị ngưỡng PI có thể không nhất thiết phải được lặp lại giữa các trung tâm khác nhau. (34687923)
Các chủ đề bổ sung liên quan đến KMĐM & KMTM
Vai trò chẩn đoán của KMĐM/KMTM
KMĐM/KMTM trong đánh giá nguyên nhân gây suy hô hấp
- KMĐM/KMTM thường được sử dụng như một công cụ chẩn đoán để xác định nguyên nhân gây suy hô hấp. Thật không may, KMĐM/KMTM có hiệu suất rất kém trong việc phân biệt các nguyên nhân gây suy hô hấp.
- Ở một bệnh nhân bị suy hô hấp do rối loạn chức năng phổi, các giá trị KMĐM/KMTM thường tương tự nhau bất kể nguyên nhân (thường biểu hiện nhiễm kiềm hô hấp nhẹ; hình dưới). Rối loạn duy nhất có thể nhận diện dựa vào KMĐM/KMTM là tăng thông khí do lo âu (vì những bệnh nhân này có thể đạt được giá trị pCO2 cực kỳ thấp). (21663600)
- Làm ơn lưu ý rằng A-a gradient bình thường không thể loại trừ thuyên tắc phổi. (7632205)
KMĐM/KMTM trong đánh giá tăng CO2
- KMĐM/KMTM là một công cụ hữu ích giúp đánh giá tăng CO2 máu.
- Ví dụ:
- Ở một bệnh nhân bị COPD và bệnh não, KMĐM/KMTM sẽ là một công cụ thiết yếu giúp đánh giá bệnh não tăng CO2 máu.
- Ở một bệnh nhân bị hen phế quản hoặc COPD được an thần để dung nạp BiPAP, KMĐM/KMTM giúp phân biệt giữa an thần do thuốc và bệnh não tăng CO2 máu (thảo luận thêm tại đây → 📖).
Đánh giá A-a gradient
- Đánh giá A-a gradient đôi khi hữu ích giúp chẩn đoán tăng CO2 máu kín đáo, tăng thông khí liên quan lo âu, hoặc rối loạn chức năng dây thanh âm.
- Các ứng dụng đặc biệt của nó đã được thảo luận ở phần trên.
Sự biến động ngẫu nhiên của giá trị KMĐM
Hãy cực kỳ cẩn thận để tránh diễn giải quá mức sự khác biệt giữa các kết quả KMĐM liên tiếp.
Sự biến động ngẫu nhiên của PaO2 theo thời gian
- Trong một nhóm 129 bệnh nhân ICU ổn định, những lần lấy KMĐM liên tiếp từ catheter động mạch cho thấy sự khác biệt lớn giữa các giá trị PaO2 (hình dưới) (25621691). Những nghiên cứu khác đã cho thấy sự dao động tương tự (6407807, 8020270).
- Sự khác biệt PaO2 giữa các lần lấy KMĐM nối tiếp thường chỉ phản ánh sự biến động ngẫu nhiên (thay vì là những thay đổi thực sự trong sinh lý bệnh của bệnh nhân).
Sự biến động ngẫu nhiên của PaCO2 và pH theo thời gian
- Ở những bệnh nhân ổn định về mặt lâm sàng, pH và pCO2 cho thấy sự dao động ngẫu nhiên với khoảng tin cậy 95%: (6407807, 8020270)
- pH +/- 0.03
- pCO2 +/- 5 mm
- Không rõ chính xác sự dao động pH và pCO2 lớn như thế nào mới phản ánh được sinh lý bệnh của bệnh nhân. Tuy nhiên, để bất kỳ sự khác biệt nào có ý nghĩa, nó chắc chắn phải cao hơn nhiều so với sự dao động ngẫu nhiên ban đầu.
KMĐM & KMTM trong thai kỳ
- Mang thai gây tăng thông khí nhẹ, kéo dài. Theo thời gian, các giá trị bình thường có thể xấp xỉ:
- PaCO2 ~28-32 mm.
- Bicarbonate ~18-21 mEq/L.
- pH ~7.40-7.47. (Murray 2022)
- Khả năng oxy hóa:
- A-a gradient tăng 5-10 mm trên giá trị nền, đặc biệt ở tư thế nằm ngửa.
- A-a gradient nằm ngửa đạt ~20 mm.
- PaO2 >70 mm thường được nhắm làm mục tiêu để thiết lập khả năng oxy hóa thai nhi đầy đủ (trong trường hợp không có bằng chứng xác đáng).
- KMĐM trong hen phế quản:
- PaCO2 >35 mm có thể cho thấy tình trạng mệt mỏi hô hấp.
- PaCO2 >42 mm có thể là một chỉ điểm để xem xét đặt NKQ.
KMĐM & KMTM trong DKA
- Nhiễm toan ketone đái tháo đường là một quá trình chuyển hóa. Do đó, chỉ riêng xét nghiệm sinh hóa đã cung cấp đủ thông tin cần thiết để điều trị DKA:
- Nhiễm toan chuyển hóa tăng khoảng trống anion (AGMA) nên được điều trị bằng insulin và hồi sức dịch.
- Nhiễm toan chuyển hóa không tăng khoảng trống anion (NAGMA) nên được điều trị bằng bicarbonate ngoại sinh.
- Không có lý do gì để đặc biệt để lấy KMĐM hoặc KMTM trong DKA (12896883). Kiểm tra khí máu liên tục thường không hiệu quả vì điều này có xu hướng dẫn đến việc sử dụng bicarbonate không phù hợp (vd: nếu pH <6.9, một số bác sĩ cảm thấy buộc phải sử dụng bicarbonate tĩnh mạch).
- (Nhiều bệnh viện sử dụng máy đo khí máu tại giường để kiểm tra sinh hóa máu. Điều này là hợp lý vì chiến lược này giúp có được thông tin nhanh chóng về điện giải của bệnh nhân).
Pitfalls
- Việc lấy khí máu động mạch rộng rãi ở bệnh nhân ICU tạo ra nhiều yếu tố nhiễu mà không cung cấp quá nhiều thông tin hữu ích.
- Khí máu động mạch hiếm khi cung cấp các thông tin chẩn đoán hữu ích liên quan đến nguyên nhân gây suy hô hấp (chỉ có lợi đối với rối loạn lo âu, rối loạn chức năng dây thanh âm, và hôn mê do tăng CO2 máu).
Tài liệu tham khảo
- 02356936 Tarpey J, Lawler PG. Iatrogenic anaemia? A survey of venesection in patients in the intensive therapy unit. Anaesthesia. 1990 May;45(5):396-8. doi: 10.1111/j.1365-2044.1990.tb14785.x [PubMed]
- 06407807 Thorson SH, Marini JJ, Pierson DJ, Hudson LD. Variability of arterial blood gas values in stable patients in the ICU. Chest. 1983 Jul;84(1):14-8. doi: 10.1378/chest.84.1.14 [PubMed]
- 07632205 Stein PD, Goldhaber SZ, Henry JW. Alveolar-arterial oxygen gradient in the assessment of acute pulmonary embolism. Chest. 1995 Jan;107(1):139-43. doi: 10.1378/chest.107.1.139 [PubMed]
- 08020270 Sasse SA, Chen PA, Mahutte CK. Variability of arterial blood gas values over time in stable medical ICU patients. Chest. 1994 Jul;106(1):187-93. doi: 10.1378/chest.106.1.187 [PubMed]
- 12896883 Ma OJ, Rush MD, Godfrey MM, Gaddis G. Arterial blood gas results rarely influence emergency physician management of patients with suspected diabetic ketoacidosis. Acad Emerg Med. 2003 Aug;10(8):836-41. doi: 10.1111/j.1553-2712.2003.tb00625.x. PMID: 12896883. [PubMed]
- 21663600 Burri E, Potocki M, Drexler B, Schuetz P, Mebazaa A, Ahlfeld U, Balmelli C, Heinisch C, Noveanu M, Breidthardt T, Schaub N, Reichlin T, Mueller C. Value of arterial blood gas analysis in patients with acute dyspnea: an observational study. Crit Care. 2011;15(3):R145. doi: 10.1186/cc10268 [PubMed]
- 25621691 Mallat J, Lazkani A, Lemyze M, Pepy F, Meddour M, Gasan G, Temime J, Vangrunderbeeck N, Tronchon L, Thevenin D. Repeatability of blood gas parameters, PCO2 gap, and PCO2 gap to arterial-to-venous oxygen content difference in critically ill adult patients. Medicine (Baltimore). 2015 Jan;94(3):e415. doi: 10.1097/MD.0000000000000415 [PubMed]
- 26179876 Jubran A. Pulse oximetry. Crit Care. 2015 Jul 16;19(1):272. doi: 10.1186/s13054-015-0984-8 [PubMed]
- 27183375 Tusman G, Bohm SH, Suarez-Sipmann F. Advanced Uses of Pulse Oximetry for Monitoring Mechanically Ventilated Patients. Anesth Analg. 2017 Jan;124(1):62-71. doi: 10.1213/ANE.0000000000001283 [PubMed]
- 33326721 Sjoding MW, Dickson RP, Iwashyna TJ, Gay SE, Valley TS. Racial Bias in Pulse Oximetry Measurement. N Engl J Med. 2020 Dec 17;383(25):2477-2478. doi: 10.1056/NEJMc2029240 [PubMed]
- 34592317 Valbuena VSM, Barbaro RP, Claar D, Valley TS, Dickson RP, Gay SE, Sjoding MW, Iwashyna TJ. Racial Bias in Pulse Oximetry Measurement Among Patients About to Undergo Extracorporeal Membrane Oxygenation in 2019-2020: A Retrospective Cohort Study. Chest. 2022 Apr;161(4):971-978. doi: 10.1016/j.chest.2021.09.025 [PubMed]
- 34660615 Elshal MM, Hasanin AM, Mostafa M, Gamal RM. Plethysmographic Peripheral Perfusion Index: Could It Be a New Vital Sign? Front Med (Lausanne). 2021 Oct 1;8:651909. doi: 10.3389/fmed.2021.651909 [PubMed]
- 34687923 Coutrot M, Dudoignon E, Joachim J, Gayat E, Vallée F, Dépret F. Perfusion index: Physical principles, physiological meanings and clinical implications in anaesthesia and critical care. Anaesth Crit Care Pain Med. 2021 Dec;40(6):100964. doi: 10.1016/j.accpm.2021.100964 [PubMed]
- 34730820 Wong AI, Charpignon M, Kim H, Josef C, de Hond AAH, Fojas JJ, Tabaie A, Liu X, Mireles-Cabodevila E, Carvalho L, Kamaleswaran R, Madushani RWMA, Adhikari L, Holder AL, Steyerberg EW, Buchman TG, Lough ME, Celi LA. Analysis of Discrepancies Between Pulse Oximetry and Arterial Oxygen Saturation Measurements by Race and Ethnicity and Association With Organ Dysfunction and Mortality. JAMA Netw Open. 2021 Nov 1;4(11):e2131674. doi: 10.1001/jamanetworkopen.2021.31674 [PubMed]
- 35100193 Henry NR, Hanson AC, Schulte PJ, Warner NS, Manento MN, Weister TJ, Warner MA. Disparities in Hypoxemia Detection by Pulse Oximetry Across Self-Identified Racial Groups and Associations With Clinical Outcomes. Crit Care Med. 2022 Feb 1;50(2):204-211. doi: 10.1097/CCM.0000000000005394 [PubMed]
- 35231085 Burnett GW, Stannard B, Wax DB, Lin HM, Pyram-Vincent C, DeMaria S, Levin MA. Self-reported Race/Ethnicity and Intraoperative Occult Hypoxemia: A Retrospective Cohort Study. Anesthesiology. 2022 May 1;136(5):688-696. doi: 10.1097/ALN.0000000000004153 [PubMed]
- 35639368 Fawzy A, Wu TD, Wang K, Robinson ML, Farha J, Bradke A, Golden SH, Xu Y, Garibaldi BT. Racial and Ethnic Discrepancy in Pulse Oximetry and Delayed Identification of Treatment Eligibility Among Patients With COVID-19. JAMA Intern Med. 2022 Jul 1;182(7):730-738. doi: 10.1001/jamainternmed.2022.1906 [PubMed]
- 36049490 Wick KD, Matthay MA, Ware LB. Pulse oximetry for the diagnosis and management of acute respiratory distress syndrome. Lancet Respir Med. 2022 Nov;10(11):1086-1098. doi: 10.1016/S2213-2600(22)00058-3 [PubMed]