Các cấp cứu mạch máu như phình động mạch chủ bụng (AAA) hay bóc tách động mạch chủ khá phổ biến ở các nước phát triển. Nếu không được điều trị, tỉ lệ tử vong là rất cao (ví dụ: tỉ lệ tử vong trong trường hợp vỡ phình động mạch chủ bụng là 85-90%). Dù nghiêm trọng, các bệnh lý động mạch chủ thường biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu và dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác, nên cần lưu ý để chẩn đoán nhanh và chính xác.
Nếu được thực hiện chính xác, POCUS là một công cụ rất giá trị để sàng lọc nhanh chóng những bệnh lý động mạch chủ kể trên.
Qua bài này, bạn sẽ nắm được
- Cách khảo sát động mạch chủ trên siêu âm
- Khảo sát mặt cắt ngang động mạch chủ bụng các đoạn gần, giữa, xa
- Khảo sát mặt cắt dọc của động mạch chủ bụng
- Phát hiện được bóc tách động mạch chủ và phình động mạch chủ (AAA)
Chỉ định siêu âm động mạch chủ
Bạn nên chỉ định siêu âm động mạch chủ khi nghi ngờ phình động mạch chủ bụng (AAA) hoặc bóc tách động mạch chủ. The US preventative task force khuyến cáo nên sàng lọc AAA ở ít nhất một lần ở bệnh nhân 65-75 tuổi có hút thuốc lá.
Bệnh nhân nam, lớn tuổi (≥ 65 tuổi) là những đối tượng có nguy cơ AAA và bóc tách động mạch chủ. Tuy nhiên, những đối tượng có yếu tố nguy cơ bẩm sinh có thể mắc bệnh ở độ tuổi trẻ hơn (có thể dưới 40 tuổi)
Phình động mạch chủ bụng (AAA) | Bóc tách động mạch chủ | |
Tính chất đau | Cường độ cơn đau không thay đổi, vị trí có thể ở bụng, lưng, tiểu khung, có thể lan xuống mông, háng, đùi | Khởi phát cấp tính, đau ngực hoặc lưng dữ dội kiểu xé toạc hoặc như dao đâm |
Yếu tố nguy cơ | Hút thuốc lá
Tăng huyết áp
Tăng cholesterole máu
Xơ vữa mạch máu và bệnh mạch vành | Mắc phải:
Tăng huyết áp
Hút thuốc lá
Mang thai quý thứ ba
Sử dụng amphetamine hoặc cocaine
Bẩm sinh:
Bệnh lý mô liên kết (Ehler’s-Danlos, Marfan’s)
Van động mạch chủ hai lá
|
Dấu hiệu lâm sàng | Đau tại vị trí phình, tụt huyết áp, khám thấy khối ở bụng đập theo mạch (tam chứng AAA vỡ kinh điển)
Thổi tâm thu ở bụng
Biểu hiện xuất huyết tiêu hóa hoặc chảy máu sau phúc mạc
| Ngất, hạ huyết áp/sốc
Chênh lệch huyết áp và cường độ mạch ở các chi
Tiếng thổi do trào ngược van động mạch chủ
Thiếu sót chức năng thần kinh |
Những đặc điểm gọi ý AAA và bóc tách động mạch chủ
Chuẩn bị siêu âm động mạch chủ
Chuẩn bị bệnh nhân
Bệnh nhân nên nằm ngữa, đầu phẳng,
Gập hai gối lại nếu có thể, để mềm cơ thành bụng
Chuẩn bị máy siêu âm
Đầu dò:
- Sử dụng đầu dò cong (Curvilinear) để khảo sát động mạch chủ bụng
- Sử dụng đầu dò siêu âm tổ hợp pha (Phased Array) để khảo sát tại hõm trên ức
Preset
- Preset bụng để khảo sát động mạch chủ bụng với độ sâu (Depth) khoảng 10-15cm
- Preset tim khi khảo sát tại hõm trên ức
Đặt máy siêu âm bên phải bệnh nhân, bác sĩ sẽ cầm đầu dò bằng tay phải và thao tác máy bằng tay trái
Vị trí đặt máy siêu âm và tư thế của bệnh nhân
Giải phẫu siêu âm động mạch chủ
Động mạch chủ được chia làm động mạch chủ ngực và động mạch chủ bụng. Mỗi phần có thể được chia làm ba đoạn
ĐỘNG MẠCH CHỦ NGỰC trãi dài từ T3-T12 trên cơ hoành. Gồm:
- Động mạch chủ lên: từ góc ức đến T4/T5
- Cung động mạch chủ: bắt đầu từ T4/T5 đến T3 và kết thúc tại t4. Cung động mạch chủ có ba nhánh chính có thể thấy trên siêu âm từ hõm trên ức là thân cánh tay đầu, động mạch cảnh trái và động mạch dưới đòn trái
- Động mạch chủ xuống: T4-T12, khi đi qua lỗ động mạch chủ của cơ hành, nó sẽ trở thành động mạch chủ bụng
Động mạch chủ ngực
ĐỘNG MẠCH CHỦ BỤNG: trải dài từ T12 đến L4 dưới cơ hoành. Đoạn gần và đoạn giữa của động mạch chủ bụng còn được gọi là động mạch chủ trên thận. Đoạn xa của động mạch chủ bụng còn được gọi là động mạch chủ dưới thận.
- Động mạch chủ bụng đoạn gần: tính từ cơ hoành qua động mạch thân tạng đến động mạch mạc treo tràng trên
- Động mạch chủ bụng đoạn giữa: tính từ động mạch mạc treo tràng trên đến động mạch thận
- Động mạch chủ bụng đoạn dưới: từ động mạch thận đến chỗ chia đô thành động mạch chậu
Động mạch chủ bụng
Về phương diện siêu âm, động mạch chủ bụng dễ khảo sát hơn nhiều so với động mạch chủ ngực do hầu hết động mạch chủ ngực được bao quanh bởi phổi chưa không khí. Do đó, chúng ta có thể khảo sát toàn bộ động mạch chủ bụng nhưng chỉ có thể khảo sát một phận động mạch chủ ngực qua hõm trên ức
Toàn bộ động mạch chủ
Phân đoạn động mạch chủ trên siêu âm
Protocol siêu âm động mạch chủ bụng: Mặt cắt ngang
Trong mặt cắt ngang của động mạch chủ bụng chúng ta sẽ khảo sát từ động mạch thân tạng đến chỗ chia đôi thành động mạch chậu, với ba đoạn: đoạn gần, đoạn giữa, đoạn xa. Và bạn sẽ đo đường kính của mỗi đoạn này
Bước 1: Đoạn gần động mạch chủ bụng
Khi siêu âm đoạn gần động mạch chủ bụng, bạn cần phân biệt động mạch chủ bụng với tĩnh mạch chủ dưới, tìm động mạch thân tạng, động mạch mạc treo tràng trên và đo đường kính động mạch chủ
Đặt đầu dò ngay dưới mũi ức bên trái đường giữa, gờ đánh dấu quay về bên phải bệnh nhân để có được mặt cắt ngang của đoạn gần động mạch chủ bụng
Đoạn gần động mạch chủ bụng
Vị trí đầu dò để khảo sát đoạn gần động mạch chủ bụng
Điều chỉnh độ sâu đến khi thấy được hình ảnh tăng âm của thân đốt sống kèm bóng lưng rất đen ở đáy màn hình
- Nhận diện động mạch chủ: là một cấu trúc hình tròn với thành dày, tăng âm, đập theo mạch ngay bên trên thân đốt sống, hơi lệch phải so với đường giữa của màn hình (bên trái của bệnh nhân)
- Nhận diện tĩnh mạch chủ dưới: không có hình tròn như động mạch chủ và sẽ nằm bên trái đường giữa màn hình (bên phải của bệnh nhân), và thường xẹp theo hô hấp
- Bạn nên giữ đầu dò thẳng góc với thành bụng để có hình ảnh rõ nhất và đo kích thước động mạch chủ chính xác nhất
Mặt cắt ngang đoạn gần động mạch chủ bụng
POCUS 101 Tips: Nếu bạn không thể thấy các cấu trúc kể trên do hơi của đại tràng ngang. Bạn có ấn đầu dò xuống và rock đầu dò để đẩy khí ra khỏi vị trí đặt đầu dò. Nếu cách trên vẫn không hiệu quả, bạn có thể cho bệnh nhân nghiêng trái để khảo sát động mạch chủ từ mặt cắt bên
Hơi trong đại tràng ngang làm hạn chế khả năng khảo sát trên siêu âm
Nhận diện động mạch thân tạng bằng cách trượt nhẹ đầu dò xuống dưới
Động mạch thân tạng sẽ cho ra các nhánh là động mạch gan chung, động mạch lách, và hình ảnh thu được gọi là "dấu mòng biển" - "seagull sign" ngay phía trước vị trí xuất phát của động mạch thân tạng
Dấu mòng biển - seagull
Dấu mòng biển trên siêu âm Doppler màu
Nhận diện động mạch mạc treo tràng trên (SMA): trượt đầu dò thêm về phía dưới (do động mạch mạc treo tràng trên ở phía dưới so với động mạch thân tạng). Động mạch thân tạng là một cấu trúc tăng âm hình tròn, nhỏ hơn và nằm ngay trước động mạch chủ
Ở mặt cắt này, bạn có thể thấy tĩnh mạch thận nằm giữa động mạch mạc treo tràng trên và động mạch chủ cũng như tĩnh mạch lách ngay trước động mạch mạc treo tràng trên. Hình ảnh này gặp trong hội chứng nutcracker (cái kẹp hạt), khi tĩnh mạch thận trái bị kẹp giữa động mạch chủ và động mạch mạc treo tràng trên.
Tĩnh mạch thận trái đi giữa động mạch chủ và động mạch mạc treo tràng trên
Đo đường kính động mạch chủ tại vị trí rộng nhất
- Freeze (tạm dừng) hình ảnh
- Đo từ thành ngoài bên này đến thành ngoài bên kia tại vị trí trí rộng nhất
- Đo cả đường kính trước sau và đường kính ngang nếu có thể
Đo kích thước động mạch chủ tại mặt cắt ngang
Bước 2: Đoạn giữa động mạch chủ bụng
Để thấy đoạn giữa động mạch chủ bụng, hãy trượt đầu dò xuống dưới, ngay dưới động mạch mạc treo tràng trên.
Đoạn giữa động mạch chủ bụng
Vị trí đầu dò để khảo sát đoạn giữa động mạch chủ bụng
Nhận diện và đo kích thước đoạn giữa động mạch chủ bụng
Đoạn giữa động mạch chủ bụng không có các mốc giải phẫu đặc thù, nhưng thỉnh thoảng, bạn có thể thấy cả hai động mạch thận, là ranh giới phía dưới của đoạn giữa với đoạn dưới.
Hãy đo đường kính động mạch chủ bụng đoạn này bất kì khi nào thấy rõ trên màn hình.
Động mạch thận trái (LRA) và phải (RRA) tại nơi xuất phát từ động mạch chủ bụng
Bước 3: Đoạn xa động mạch chủ bụng
Khi bạn tiếp tục trượt đầu dò xuống dưới mức động mạch thận, bạn sẽ khảo sát đoạn xa của động mạch chủ bụng.
Đoạn xa động mạch chủ bụng
Vị trí đặt đầu dò để khảo sát đoạn xa động mạch chủ bụng
Nhận diện và đo đường kính động mạch chủ bụng đoạn xa
- Đoạn xa động mạch chủ bụng sẽ thấy trên siêu âm khi đầu dò nang mức rốn
- Đây là vị trí mà động mạch chủ bụng nông nhất, nên bạn cần điều chỉnh giảm độ sâu trên máy siêu âm
- Đo đường kính đoạn này ngay khi bạn thấy rõ động mạch chủ
Đoạn xa động mạch chủ bụng - nơi động mạch chủ gần thành bụng nhất
Bước 4: Chỗ chia đôi động mạch chủ: động mạch chậu chung
Tiếp tục trượt đầu dò xuống dưới rốn cho đến khi bạn thấy động mạch chủ bụng tách làm hai động mạch nhỏ hơn. Đây là nơi chia đôi động mạch chủ bụng thành động mạch chậu trái và phải. Đôi khi, bạn có thể thấy phình động mạch chậu tại vịt rí này.
Chỗ chia đôi của động mạch chủ bụng thành hai động mạch chậu
Vị trí đầu dò để khảo sát chỗ chia đôi động mạch chủ bụng
Nhận diện động mạch chậu chung
Chỗ chia đôi động mạch chủ bụng trên siêu âm thang xám và Doppler màu
Protocol siêu âm động mạch chủ bụng: Mặt cắt dọc
Chúng tôi khuyến cáo bạn nên thực hiện mặt cắt ngang, sau đó mới tiến hành mặt cắt dọc
Bước 1: Điều chỉnh đầu dò thành mặt cắt dọc/sagital
Quay trở lại mặt cắt ngang tại vị trí dưới mũi ức, xoay đầu dò 90 độ theo chiều kim đồng hồ để gờ đánh dấu quay về phía đầu bệnh nhân
POCUS 101 Tip: Đưa động mạch chủ bụng lúc đang cắt ngang về giữa màn hình trước khi xoay đầu dò. Bạn nên dùng cả hai tay - một tay giữ đầu dò để đảm bảo động mạch chủ bụng giữa màn hình, tay còn lại xoay đầu dò.
Bước 2: Khảo sát động mạch thân tạng và động mạch mạc treo tràng trên theo mặc cắt dọc
Bạn cần thấy được động mạch thân tạng ở phía trên, và động mạch mạc treo tràng trên dưới khi thực hiện mặt cắt dọc
Động mạch thân tạng (CT) và động mạch mạc treo tràng trên (SMA) xuất phát từ bờ trước động mạch chủ bụng
Bước 3: Đo đường kính trước sau
Hãy đảm bảo thước đo của bạn vuông góc với thành động mạch chủ bụng, để tránh kết quả đo được lớn hơn thực tế
Đo đường kính trước sau động mạch chủ bụng trên mặt cắt dọc
Hiệu ứng tiếp tuyến xilanh - The Cylinder Tangent Effect
Hiệu ứng tiếp tuyến xilanh được minh họa bên dưới: hình A cho thấy cách đo đường kính trước sau qua đường giữa, và kết quả thu được sẽ lớn nhất. Trong khi đó, hình B cho thấy cách đo lệch một bên (tiếp tuyến), nên kết quả thu được sẽ nhỏ hơn đường kính thực tế. Do đó, cần tránh hiện tượng này khi đo đường kính động mạch chủ để thu được kết quả chính xác nhất.
Hiệu ứng tiếp tuyến xilanh
Video tóm tắt cách siêu âm động mạch chủ bụng (cả mặt cắt ngang và dọc)
Bước 4: Tiếp cận từ mặt bên (tùy chọn)
Khi quá khó để khảo sát động mạch chủ bụng từ phía trước, bạn có thể thử tiếp cận từ bên phải hoặc bên trái động mạch chủ để có được mặt cắt dọc
Nhìn từ bên phải bệnh nhân, cần thấy được gan, tĩnh mạch chủ dưới và động mạch chủ
Đặt đầu dò tại gian sườn 10-11 trên đường nách giữa bên phải, gờ đánh dấu quay về phía đầu bệnh nhân
Vị trí đặt đầu dò để khảo sát động mạch chủ từ bên phải bệnh nhân
Động mạch chủ (đập theo mạch), ở xa hơn gan và tĩnh mạch chủ dưới
Nhìn từ bên trái bệnh nhân, cần thấy được lách và động mạch chủ bụng ngay sát lách
Đặt đầu dò tại khoản gian sườn 7-8 trên đường nách sau, với gờ đánh dấu quay về phía đầu bệnh nhân
Vị trí đặt đầu dò để khảo sát động mạch chủ từ bên trái
Động mạch chủ là cấu trúc hình ống tăng âm, đập theo mạch ở đáy màn hình, ngay cạnh lách và thận trái
Protocol siêu âm cung động mạch chủ qua hõm trên ức (Suprasternal notch view)
Siêu âm qua hõm trên ức sẽ cho hình ảnh mặt cắt dọc của động mạch chủ lên, 3 nhánh chính của cung động mạch chủ (thân cánh tay đầu, động mạch cảnh trái và động mạch dưới đòn trái), và động mạch chủ xuống. Vị tí này rất hữu ích để đánh giá phình động mạch chủ ngực và bóc tách động mạch chủ type A (Stanford A)
Bước 1: Chọn đầu dò
Sử dụng đầu dò tổ hợp pha (Phased Array) trong mode Siêu âm tim. Kích thước đầu dò nhỏ sẽ cho phép bạn đặt được toàn bộ đầu dò vào hõm trên ức.
Bước 2: Tư thế bệnh nhân
Bệnh nhân được đặt ở tư thế nằm ngửa với cổ ngửa (xem hình). Bạn có thể đặt gối dưới vai bệnh nhân để dễ khảo sát hơn
Bước 3: Đặt đầu dò tại hõm trên ức
- Gờ đánh dấu quay về phía đầu bệnh nhân
- Đuôi đầu dò hướng lên trên
- Xoay nhẹ đầu dò theo chiều kim đồng hồ (15-20 độ) về phía vai trái bệnh nhân. Điều này cho phép cửa sổ siêu âm thẳng hàng với đường đi của cung động mạch chủ, tức là đi ngang từ phải sang trái uốn cong về phía sau
Khảo sát động mạch chủ từ hõm trên ức - vị trí đầu dò
Bước 4: Khảo sát cung động mạch chủ theo chiều dọc
Mặt cắt này cho thấy động mạch chủ lên, cung động mạch chủ và ba nhánh chính của nó, kèm động mạch chủ xuống. Ngoài ra, bạn còn có thể thấy mặt cắt ngang của động mạch phổi phải
Mặt cắt hõm trên ức - có thể thấy động mạch phổi phải (RPA); cung động mạch chủ kèm ba nhánh của nó là: thân cánh tay đầu, động mạch cảnh chung trái và động mạch dưới đòn trái
Sử dụng Doppler màu để khảo sát dòng máu
Bình thường, bạn sẽ thấy hình ảnh Doppler màu đỏ (về phía đầu dò) tại động mạch chủ lên và Doppler màu xanh (ra xa đầu dò) tại động mạch chủ xuống
Mặt cắt hõm trên ức khi sử dụng Doppler màu
Phình động mạch chủ bụng trên siêu âm
Phình động mạch chủ là tình trạng giãn động mạch chủ do suy yếu mô liên kết thành động mạch
Đường kính bình thường của động mạch chủ là khoảng 2 cm. Phình động mạch chủ bụng được định nghĩa là (theo Mokashi)
- Đường kính động mạch chủ bụng ≥ 3cm hoặc tăng > 50%
- Đường kính động mạch chậu ≥ 1,5cm
Về mặt hình thái, phình động mạch chủ có thể được chia làm hai dạng là hình thoi (fusiform) và hình túi (saccular). Phình dạng hình thoi xảy ra khi động mạch chủ giãn toàn bộ chu vi thành mạch và đối xứng, loại này phổ biến hơn phình động mạch hình túi - là một cấu trúc lồi ra khỏi thành động mạch và không đối xứng.
Phình động mạch hình thoi và hình túi
AAA còn có thể được chia thành AAA trên thận và AAA dưới thận - tức là trên hay dưới động mạch thận. AAA dưới thận thường gặp hơn, chiếm khoảng 85% các trường hợp
Siêu âm có thể phát hiện AAA với độ nhạy và độ đặc hiệu là > 90%, do đó, nếu thực hiện chính xác, siêu âm có thể giúp chẩn đoán bệnh lý đe dọa tính mạng này
Dùng kĩ thuật đã mô tả ở trên để khảo sát động mạch chủ và đo đường kính động mạch chủ tại ba vị trí (đoạn gần, đoạn giữa và đoạn xa). Hãy đảm bảo là luôn thấy được động mạch chủ trên màn hình và chú ý bất kì vị trí nào thấy gia tăng bề rộng của động mạch chủ.
POCUS 101 Tip: Huyết khối bám thành có thể khiến bạn nhầm lẫn là thành ngoài động mạch chủ, khiến đường kính đo được nhỏ hơn so với thực tế. Trong trường hợp này, bạn cần đo từ thành ngoài bên này đến thành ngoài bên kia mạch máu, bao gồm cả huyết khối.
Dấu hiệu siêu âm của AAA dạng thoi (Fusiform AAA)
AAA hình thoi sẽ cho thấy đường kính của động mạch chủ ≥ 3cm
Dấu hiệu siêu âm của AAA dạng túi (Saccular AAA)
AAA dạng túi sẽ cho hình ảnh là một cấu trúc dạng túi trống âm bám vào động mạch chủ. Trong hình minh họa dưới đây bạn sẽ thấy túi phình chỉ liên quan đến thành trước của động mạch chủ bụng
AAA dạng túi - mặt cắt ngang
AAA dạng túi - mặt cắt dọc
Video tóm tắt sử dụng siêu âm trong phình động mạch chủ bụng
Bóc tách động mạch chủ trên siêu âm
Bóc tách động mạch chủ xảy ra khi lớp nội mạc bị xé, cho phép dòng máu áp lực cao đi vào lớp trung mạc và bóc tác thành mạch theo chiều dọc tạo nên "lòng giả". Bóc tách có thể tiến triển thuận chiều hoặc ngược chiều dòng máu.
Bóc tách động mạch chủ tương đối khó chẩn đoán, do triệu chứng lâm sàng rất thay đổi, có thể biểu hiện đau ngực, đau bụng hoặc thiếu sót thần kinh, tùy thuộc động mạch bị ảnh hưởng
Để chấn đoán bóc tách động mạch chủ trên siêu âm, bạn cần tìm hình ảnh mảng nội mạc di động trong lòng mạch khi thực hiện kĩ thuật siêu âm như đã mô tả ở trên
Theo phân loại Stanford, bóc tách động mạch chủ được chia làm hai loại gồm Type A và Type B . Ngoài ra còn có phân loại DeBakey, chia bóc tách động mạch chủ thành các type là I, II, IIIa, IIIb.
Phân loại Stanford
- Type A: liên quan đến động mạch chủ lên; có thể cả cung động mạch chủ, động mạch chủ ngực và bụng
- Type B: Tính từ sau chỗ xuất phát của động mạch dưới đòn trái và có thể liên quan đến động mạch chủ ngực đoạn xuống hoặc động mạch chủ bụng.
Phân loại DeBakey
- Type I liên quan đến động mạch chủ lên, cung động mạch chủ và động mạch chủ ngực đoạn xuống, thậm chí động mạch chủ bụng
- Type II chỉ liên quan đến động mạch chủ lên
- Type IIIa liên quan đến động mạch chủ xuống sau chỗ xuất phát động mạch dưới đòn trái và chưa quá mức xuất phát động mạch thân tạng
- Type IIIb liên quan đến đoạn động mạch chủ xuống sau chỗ xuất phát động mạch dưới đòn trái và cả động mạch chủ bụng quá mức xuất phát động mạch thân tạng
Phân loại bóc tách động mạch chủ
Tỉ lệ các vị trí bóc tách động mạch chủ:
- Động mạch chủ lên: 65%
- Động mạch chủ xuống: 20%
- Cung động mạch chủ: 10%
- Động mạch chủ bụng: 5%
Siêu âm tim qua thành ngực cũng có thể giúp chẩn đoán bóc tách động mạch chủ, đặc biệt ở bệnh nhân huyết động không ổn định mà không cần vận chuyển bệnh nhân ra khỏi khoa cấp cứu. Mặc dù siêu âm rất đặc hiệu (99-100%) nhưng lại không nhạy (67-80%). Do đó, khi không thấy mảng nội mạc di động trên siêu âm tim qua thành ngực, chúng ta không thể loại trừ chẩn đoán bóc tách động mạch chủ. Hiện nay, CT mạch máu và siêu âm tim bằng đầu dò thực quản vẫn là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bóc tách động mạch chủ.
Dưới đây là một số ví dụ về bóc tách động mạch chủ trên siêu âm tim qua thành ngực, siêu âm động mạch chủ bụng và siêu âm qua hõm trên ức
Bóc tách động mạch chủ - mặt cắt trục dài cạnh ức
Mặt cắt trục dài cạnh ức cho thấy một mảnh nội mạc hồi âm ngay phía ngoại vi của van động mạch chủ
Bóc tách động mạch chủ lên, thấy trên mặt cắt dọc một mảnh nội mạc trong lòng mạch ngay phía ngoại vi của van động mạch chủ
Bóc tách động mạch chủ - khảo sát qua hõm trên ức
Một bệnh nhân vào viện do yếu nữa người phải. Mặt cắt hõm trên ức cho thấy bóc tách động mạch chủ tại cung động mạch chủ, thân cánh tay đầu và động mạch cảnh trái.
Bóc tách động mạch chủ tại cung động mạch chủ
Bóc tách động mạch chủ - động mạch chủ xuống
Siêu âm động mạch chủ bụng phát hiện bóc tách động mạch chủ
Một mảng nội mạc lớn trên mặt cắt dọc động mạch chủ xuống
Trào ngược van động mạch chủ (Aortic regurgitation)
Bóc tách động mạch chủ có thể gây ra trào ngược van động mạch chủ, trên siêu âm Doppler màu sẽ thấy dòng máu chảy ngược lại tâm thất trong thì tâm trương từ cung động mạch chủ
Trào ngược van động mạch chủ - máu chảy ngược về tâm thất từ cung động mạch chủ trong thì tâm trương
Tài liệu tham khảo
- Solomon, C., Kent, K. (2014). Abdominal Aortic Aneurysms New England Journal of Medicine 371(22), 2101-2108. https://dx.doi.org/10.1056/nejmcp1401430
- Lederle, F., Johnson, G., Wilson, S., Chute, E., Littooy, F., Bandyk, D., Krupski, W., Barone, G., Acher, C., Ballard, D. (1997). Prevalence and Associations of Abdominal Aortic Aneurysm Detected through Screening Annals of Internal Medicine 126(6), 441. https://dx.doi.org/10.7326/0003-4819-126-6-199703150-00004
- Fleming, C., Whitlock, E., Beil, T., Lederle, F. (2005). Screening for Abdominal Aortic Aneurysm: A Best-Evidence Systematic Review for the U.S. Preventive Services Task Force Annals of Internal Medicine 142(3), 203. https://dx.doi.org/10.7326/0003-4819-142-3-200502010-00012
- Faluk M, De Jesus O. Aneurysm, Saccular. In: StatPearls. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; May 30, 2020.
- Mokashi, S.A., Svensson, L.G. Guidelines for the management of thoracic aortic disease in 2017. Gen Thorac Cardiovasc Surg 67, 59–65 (2019). https://0-doi-org.catalog.llu.edu/10.1007/s11748-017-0831-8
- Howard, D., Banerjee, A., Fairhead, J., Perkins, J., Silver, L., Rothwell, P., Study, O. (2013). Population-Based Study of Incidence and Outcome of Acute Aortic Dissection and Premorbid Risk Factor Control: 10-Year Results From the Oxford Vascular Study Circulation 127(20), 2031-2037. https://dx.doi.org/10.1161/circulationaha.112.000483
- Fojtik, J., Costantino, T., Dean, A. (2007). The diagnosis of aortic dissection by emergency medicine ultrasound The Journal of Emergency Medicine 32(2), 191-196. https://dx.doi.org/10.1016/j.jemermed.2006.07.020
- Larson EW, Edwards WD. Risk factors for aortic dissection: a necropsy study of 161 cases. Am J Cardiol. 1984;53(6):849-855. doi:10.1016/0002-9149(84)90418-1
- Siegal EM, Acute Aortic Dissection. J. Hosp. Med 2006;2;94-105. doi:10.1002/jhm.69
- Diebold, B., Peronneau, P., Blanchard, D., Colonna, G., Guermonprez, J., Forman, J., Sellier, P., Maurice, P. (1983). Non-invasive quantification of aortic regurgitation by Doppler echocardiography. Heart 49(2), 167-173. https://dx.doi.org/10.1136/hrt.49.2.167
- Lema, P., Kim, J., James, E. (2017). Overview of common errors and pitfalls to avoid in the acquisition and interpretation of ultrasound imaging of the abdominal aorta Volume 5(), 41 – 46. https://dx.doi.org/10.2147/jvd.s124327