Thuốc vận mạch
Thuốc vận mạch

Thuốc vận mạch

icon
Translator: Phan Văn Minh Quân
icon
Update: Feb 20, 2020
Mục lục

Tra cứu nhanh

(quay lại mục lục)

image

Các thuốc cốt lõi

Thuốc cường tim - giãn mạch

(quay lại mục lục)

Thuốc cường tim - giãn mạch cổ điển (milrinone, dobutamin)

  • Cơ chế tác dụng:
    • Dobutamin kích thích hầu hết các receptor beta, với rất ít tác dụng lên receptor alpha.
    • Milrinone ức chế adenylyl cyclase nội bào, từ đó làm tăng nồng độ cAMP nội bào.
  • Tác dụng sinh lý:
    • Hiệu ứng tiên phát là tăng co bóp cơ tim (inotropy dương) cũng như tăng tần số tim (chronotropy dương).
    • Hiệu ứng thứ phát là giãn mạch ngoại vi.
    • Gia tăng cung lượng tim do vừa có tác dụng tăng co bóp lẫn giãn mạch.
    • Hiệu ứng lên huyết áp thay đổi, phụ thuộc vào cách đáp ứng của tim đối với tác dụng tăng co bóp. Nếu tim đáp ứng mạnh mẽ (với tăng thể tích nhát bóp và tần số tim), các thuốc này có thể làm tăng huyết áp. Tuy nhiên, nếu tim đã hoạt động hết mức có thể, lúc này hiệu ứng giãn mạch có thể chiếm ưu thế, gây tụt huyết áp. Nhìn chung, hiệu ứng lên huyết áp là không thể dự đoán.
  • Ứng dụng lâm sàng:
    • (1) Sốc tim cung lượng thấp. Cần theo dõi những bệnh nhân tụt huyết áp, vì có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng hạ áp.
    • (2) Sốc nhiễm khuẩn với cung lượng tim không đủ (dùng như một thuốc bổ trợ). Tuy nhiên, epinephrine có thể là lựa chọn ưu thế hơn trong bối cảnh này, nếu huyết áp thấp.
  • Cách chuẩn độ:
    • Lý tưởng, thuốc tăng co bóp - giãn mạch được chuẩn độ dựa trên cung lượng tim hoặc thông số đại diện cho cung lượng tim (ví dụ: lượng nước tiểu).
    • Không nên chuẩn độ dựa vào huyết áp, vì không thể dự đoán hiệu ứng tác dụng của các thuốc này lên huyết áp.
  • Ưu/Nhược điểm của các thuốc khác nhau:
    • Milrinone gây giãn mạch nhiều hơn một ít, vì thế có thể tốt hơn đối với sốc tim. Tuy nhiên, milrinone được đào thải qua thận, gây khó khăn trong việc chuẩn độ ở những bệnh nhân suy thận.
    • Dobutamine dễ chuẩn độ hơn do có thời gian bán hủy ngắn, vì thế đây thường là một thuốc ưa thích nếu sự đáp ứng tăng co bóp cơ tim của bệnh nhân không thể dự đoán hoàn toàn.
    • Truyền dobutamine kéo dài có thể làm giảm nhạy cảm của thụ thể beta và làm giảm hiệu quả. Đây có thể là một vấn đề nan giải, nhưng nó cũng có thể giúp cai dần dobutamine sau khi quá trình truyền thuốc đã diễn ra trong một thời gian dài (có thể dễ cai hơn dự kiến).

Isoproterenol

  • Cơ chế tác dụng:
    • Đồng vận beta đơn thuần.
  • Tác dụng sinh lý:
    • Tăng nhịp tim rất mạnh cũng như tăng co bóp cơ tim.
  • Ứng dụng lâm sàng:
    • Nhịp chậm (sẽ tác dụng ở một số bệnh nhân đề kháng với epinephrine).
  • Cách chuẩn độ:
    • Thông thường là dựa vào tần số tim.
  • Ưu/Nhược điểm:
    • Isoproterenol có lẽ là thuốc có hiệu ứng chronotrope (tăng nhịp tim) mạnh mẽ nhất.
    • Nó không gây co mạch, vì vậy có thể an toàn khi sử dụng qua đường truyền ngoại vi.
    • Nhược điểm chính là giá cả và tính khả dụng: ở Hoa Kỳ thuốc này có giá cao ngất ngưởng và và một số bệnh viện không có. Nếu bạn không có có, epinephrine thường được sử dụng một như một thuốc thay thế.

Thuốc co mạch đơn thuần

(quay lại mục lục)

Vasopressin

  • Cơ chế tác dụng:
    • Kích thích receptor V1 và V2, gây co mạch và giữ nước ở thận.
  • Tác dụng sinh lý:
    • Tăng kháng lực mạch máu hệ thống (SVR).
    • Làm co tĩnh mạch, có thể làm tăng tiền gánh.
    • Hiệu ứng chủ yếu lên cung lượng tim thường là giảm cung lượng tim (nhưng điều này phụ thuộc vào khả năng dung nạp của tim đối với sự gia tăng tiền gánh).
  • Ứng dụng lâm sàng:
    • Sốc giãn mạch (đặc biệt là sốc nhiễm khuẩn). Thường được sử dụng ở liều thấp (0 - 0.06 U/ph), như thuốc hàng đầu hoặc hàng hai. (27483065)
    • Là thuốc hàng đầu trong hội chứng gan thận (HRS) ở những quốc gia không có terlipressin (ví dụ như Hoa Kỳ).
    • Đái tháo nhạt trung ương (chỉ cần sử dụng liều rất thấp, ví dụ: 0.01 UI/ph hoặc thấp hơn).
    • Xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn (vì mặt lý thuyết đây là một thuốc đáng hứa hẹn, nhưng về mặt thực thế thì không thể chuẩn độ đầy đủ).
  • Cách chuẩn độ:
    • Thông thường dựa vào huyết áp.
  • Ưu/Nhược điểm:
    • Vasopressin có thể làm co tiểu tĩnh mạch đi ở thận, giúp cải thiện chức năng thận.
    • Nó có thể gây giãn mạch phổi, hữu ích trong bối cảnh tăng áp phổi.
    • Thường không được sử dụng vasopressin đường ngoại vi (nếu thoát mạch thì không có thuốc giải).
    • Vasopressin có thể gây thiếu máu cục bộ đầu chi, đặc biệt khi phối hợp với norepinephrine - phải theo dõi sát tưới máu tay và chân, ngưng ngay vasopressin khi có dấu hiệu ban đầu của thiếu máu cục bộ đầu chi.

Phenylephrine

  • Cơ chế tác dụng:
    • Đồng vận alpha đơn thuần, làm co động và tĩnh mạch.
  • Tác dụng sinh lý:
    • Tăng kháng lực mạch máu hệ thống (SVR).
    • Co tĩnh mạch làm tăng tiền gánh.
    • Hiệu ứng lên cung lượng tim phụ thuộc vào đáp ứng với tiền gánh và khả năng dung nạp của tim đối với sự gia tăng hậu gánh. Ví dụ, trên một bệnh nhân suy tim tâm thu và quá tải thể tích, sự gia tăng tiền gánh không hỗ trợ gì thêm, trong khi tim không thể dung nạp hậu gánh - vì thế hiệu ứng cộng gộp sẽ làm cung lượng tim bị giảm. Ngược lại, ở một bệnh nhân đáp ứng tiền gánh với một phân suất tống máu mạnh hơn, phenylephrine có thể tạo nên tác dụng cộng gộp làm tăng cung lượng tim.
    • Các bằng chứng hiện có trong nhiễm khuẩn huyết cho thấy phenylephrine có tác dụng sinh lý rất tương đồng với norepinephrine. Cả 2 thuốc này đều tác dụng chủ yếu lên thụ thể alpha.
    • Phenylephrine có thể gây nhịp chậm phản xạ nhẹ do tăng huyết áp.
  • Ứng dụng lâm sàng:
    • Sốc giãn mạch.
    • Hữu ích ở những bệnh nhân hẹp van động mạch chủ nguy kịch (có hậu gánh cố định trên thất trái do hẹp van).
    • Rung nhĩ với đáp ứng thất nhanh (tăng huyết áp đồng thời giảm nhịp tim do phản xạ).
  • Cách chuẩn độ: thường dựa vào huyết áp.
  • Ưu/Nhược điểm:
    • Theo kinh điển, người ta lo sợ rằng phenylephrine làm giảm cung lượng tim. Điều này dường như chỉ đúng khi bolus, chứ không xảy ra khi truyền liên tục (bằng chứng hiện có cho thấy truyền liên tục phenylephrine có vai trò khá giống với truyền norepinephrine).
    • An toàn khi truyền qua đường ngoại vi.
    • Phenylephrine có hiệu lực kém hơn khoảng 10 lần so với norepinephrine (10 mcg/ph phenylephrine tương đương với 1 mcg/ph norepinephrine). Phenylephrine thường được cung cấp dưới dạng dung dịch khá loãng, điều này có thể gây ra vấn đề về mặt hậu cần đối với những bệnh nhân cần thuốc co mạch liều cao. Do đó, phenylephrine đơn trị liệu phần lớn chỉ giành cho sốc giãn mạch mức độ nhẹ - trung bình do những hạn chế về mặt hậu cần.

Thuốc co mạch - cường tim

(quay lại mục lục)

Norepinephrine

  • Cơ chế:
    • Là chất chủ vận alpha nổi trội, đồng thời cũng đồng vận beta.
  • Tác dụng sinh lý:
    • Tăng kháng lực mạch máu hệ thống (SVR), làm co tĩnh mạch (tăng tiền gánh), có hiệu ứng tăng co bóp và tăng nhịp tim.
    • Tăng huyết áp và có thể tăng lượng nước tiểu.
    • Có xu hướng làm tăng cung lượng tim hoặc ổn định (phụ thuộc vào cách đáp ứng của tim với tiền gánh, hậu gánh, và hiệu ứng tăng co bóp).
  • Ứng dụng lâm sàng:
    • Là thuốc vận mạch đầu tay được sử dụng rộng rãi nhất cho nhiều loại sốc (sốc nhiễm khuẩn, sốc tim có tụt huyết áp nặng).
    • Là thuốc vận mạch có “phổ rộng” tốt khi vẫn chưa rõ điều gì đang xảy ra (chưa biết nguyên nhân sốc).
  • Cách chuẩn độ:
    • Thường dựa vào huyết áp.
    • Không có “liều tối đa” của norepinephrine. 📖
  • Ưu/Nhược điểm:
    • “Thành tích” tốt trong sốc nhiễm khuẩn và sốc tim.

Epinephrine

  • Cơ chế tác dụng: Ở liều thấp, hoạt tính đồng vận beta nổi trội; khi nâng liều dần, hiệu ứng chủ vận alpha gia tăng.
  • Tác dụng sinh lý:
    • Làm tăng nhịp tim và sức co bóp cơ tim, từ đó làm tăng cung lượng tim.
    • Làm tăng kháng lực mạch máu hệ thống và làm co tĩnh mạch (tăng tiền gánh).
    • Ổn định tế bào mast, ngăn chặn sinh lý bệnh của phản vệ.
    • Kích thích receptor beta-2 làm giãn phế quản, giảm nồng độ kali, và kích thích sản sinh lactate hiếu khí bởi gan. Đây thường là nỗi sợ, nhưng lactate hoạt động như một nhiên liệu chuyển hóa cho tim, vì thế cơ chế này có thể có lợi (trong trường hợp không có nhiễm toan chuyển hóa đáng kể trước đó). 📖
  • Ứng dụng lâm sàng:
    • (1) Nhịp chậm và sốc nhịp chậm (dựa vào hiệu ứng tăng co bóp và tăng nhịp tim).
    • (2) Sốc nhiễm khuẩn (thử nghiệm CAT cho thấy epinephrine là một giải pháp thay thế thích hợp cho norepinephrine) (18654759). Epi dường như đặc biệt hiệu quả ở những bệnh nhân có nhịp tim chậm bất thường và/hoặc cung lượng tim thấp, những người có đáp ứng giao cảm kém với nhiễm khuẩn huyết. 📖
    • (3) Ở liều thấp (dưới 5-10 mcg/kg/ph), hiệu ứng nổi trội là tăng co bóp cơ tim, vì thế có thể sử dụng ở những bệnh nhân sốc tim cung lượng thấp. So sánh với dobutamine/milrinone, epinephrine liều thấp có một chút hoạt tính alpha nên có xu hướng ngăn ngừa tụt huyết áp.
    • (4) Epinephrine liều đẩy (push-dose) rất thích hợp ở những bệnh nhân nguy kịch do nhiều nguyên nhân (ví dụ: nhịp chậm trước và sau ngưng tim). Epinephrine thường là một lựa chọn tốt cho bệnh nhân cận kề tử vong. 📖
    • (5) Là thuốc đầu tay cho phản vệ. Lưu ý rằng epinephrine có thể chỉ định cho phản vệ ngay cả khi huyết động ổn định.
  • Cách chuẩn độ: phụ thuộc vào cách áp dụng lâm sàng.
  • Ưu/Nhược điểm:
    • Epinephrine là một thuốc mạnh mẽ với hiệu quả được thiết lập trong nhiễm khuẩn huyết, đồng thời mang lại hiệu quả trong nhịp chậm và sốc tim.
    • Mối lo ngại chính là khi sử dụng kéo dài ở liều cao, nó có thể thúc đẩy bệnh cơ tim do stress.
    • Epi làm tăng sản sinh lactate nhưng không nguy hiểm (có thể có lợi về mặt sinh lý). Tuy nhiên, các nhà lâm sàng phải nhận thức được vấn đề này, nếu không họ sẽ mãi “đuổi theo” các giá trị lactate một cách vô nghĩa.
    • Epinephrine làm giảm nhẹ kali máu, đây thường không phải là một vấn đề quá lớn. Hiệu ứng trên kali có thể hữu ích ở những bệnh nhân tăng kali máu và nhịp chậm (ví dụ: hội chứng BRASH).

Dopamine

  • Cơ chế tác dụng/Sinh lý:
    • Dopamine “đánh” vào nhiều receptor ở các ngưỡng liều khác nhau (thuốc “bẩn”).
    • Thường rất khó để tìm ra những gì mà dopamine đang làm trên bệnh nhân. Ví dụ, dopamine liều thấp thực ra có thể gây tụt áp (do hiệu ứng giãn mạch nổi trội), điều này làm khó cai dopamine.
  • Những lý do nên từ bỏ dopamine:
    1. Dopamine làm tăng tỷ lệ tử vong trong các RCT: Dopamine làm tăng tử vong so với norepinephrine trong một phân nhóm bệnh nhân sốc tim (20200382). Nó cũng làm tăng tử vong so với epinephrine ở những trẻ em nhiễm khuẩn huyết (26323041).
    2. Thường không thể biết được dopamine đang làm gì trên cơ thể bệnh nhân (do hiệu ứng khác nhau ở các liều khác nhau trên những bệnh nhân khác nhau). Điều này khiến ta không thể chuẩn độ theo bất cứ cách hợp lý nào (việc tăng liều có thể khiến dopamine hoạt động hoàn toàn thông qua một cơ chế khác).
    3. Dopamine có các tác dụng phụ nội tiết đặc biệt.
    4. Dopamine có thể kích thích lợi niệu trực tiếp thông qua dopamine-receptor, từ đó gây hiểu lầm rằng tưới máu thận vẫn đầy đủ (một cách giả tạo).
    5. Có nguy cơ cao tương đối hoại tử mô nếu thoát mạch.
    6. Có các thuốc tốt hơn: những gì dopamine làm được thì đều có thể đạt được với norepinephrine và/hoặc epinephrine.
    7. Dopamine gây giảm tưới máu ruột nhiều hơn so với norepinephrine.

Thuốc vận mạch ngoại vi

(quay lại mục lục)

Đường tĩnh mạch ngoại vi

  • Việc ổn định huyết động không bao giờ được trì hoãn chỉ để chờ đường truyền tĩnh mạch trung tâm. Dó đó, sử dụng thuốc vận mạch qua đường truyền ngoại vi nên được khởi đầu ngay lập tức nếu huyết áp hoặc tưới máu mô không đầy đủ.
  • Norepinephrine an toàn trong một khoảng thời gian ngắn, thông qua một đường truyền ngoại vi lớn. Tiếp tục truyền liên tục qua đường ngoại vi dường như vẫn an toàn, nhưng lý tưởng là nên thực hiện trong bối cảnh có một quy trình tốt liên quan đến việc theo dõi đầu chi thường xuyên và luôn sẵn sàng xử trí phản ứng thoát mạch. Nên tránh truyền liên tục qua một tĩnh mạch ngoại vi nằm sâu (được lấy dưới hưỡng dẫn siêu âm), vị trí này khiến ta không thể theo dõi mô xung quanh điểm tận của catheter tĩnh mạch.
  • Phenylephrine và epinephrine chưa được báo cáo là gây hoại tử mô. Truyền các thuốc này qua đường ngoại vi nhìn chung có vẻ an toàn, mặc dù việc này vẫn nên được thực hiện thông qua một catheter hoạt động tốt gần cổ tay.
  • Nên tránh sử dụng vasopressin ở đường ngoại vi, vì nếu thoát mạch thì không có thuốc giãn mạch nào có thể chống lại tác dụng của nó.

Catheter midline

  • Đây là các catheter đặt ở cánh tay, tương tự như PICC nhưng ngắn hơn (thường dài 10-20 cm, kết thúc trước vai).
  • Catheter midline được đặt bởi bác sĩ lâm sàng đang dần trở thành một giải pháp thay thế cho các đường tĩnh mạch ngoại vi hoặc trung tâm được đặt dưới hướng dẫn siêu âm.
  • Đây là một chủ đề đang nổi lên nhanh chóng. Nhìn chung, sử dụng thuốc vận mạch thông qua catheter midline có vẻ an toàn.

Midodrine

(quay lại mục lục)

Cơ bản

  • Đồng vận alpha-1 đường uống, tác dụng như một thuốc vận mạch đơn thuần.

Chỉ định lâm sàng phổ biến tại ICU:

  • Xơ gan & Hội chứng gan thận
    • Midodrine là một phần trong liệu pháp đường uống đối với hội chứng gan thận.
    • Một số bằng chứng gợi ý rằng sử dụng midodrine tiếp diễn ở những bệnh nhân xơ gan có thể củng cố tưới máu thận (do những bệnh nhân này bị giãn mạch mạn tính).
  • Tăng tốc độ cai thuốc vận mạch khác?
    • Nghiên cứu MIDAS đã cho thấy midodrine không hiệu quả trong việc đẩy nhanh tốc độ cai thuốc vận mạch đường tĩnh mạch ở hầu hết bệnh nhân ICU (32885276).
    • Hiện nay, các bằng chứng hiện có tốt nhất chỉ ra rằng không nên sử dụng midodrine để đẩy nhanh việc cai thuốc vận mạch đường tĩnh mạch ở những bệnh nhân không bị xơ gan.

Liều

  • Liều khởi đầu thông thường là 10 mg uống mỗi 8 giờ. Hãy đảm bảo thuốc được sử dụng mỗi 8 giờ chứ không phải là “ba lần mỗi ngày với bữa ăn”, máy tính thường mặc định theo kiểu này.
  • Khoảng liều là 5-40 mg mỗi 8 giờ (26953217).
  • Midodrine được đào thải qua thận, vì vậy hãy thận trọng trong suy thận.

Chống chỉ định/Cảnh giác

  • Nhịp chậm phản xạ có thể xảy ra.

Xanh methylene

(quay lại mục lục)

Cơ chế tác dụng

  • (1) Xanh methylene gây co mạch bằng cách ức chế nitric oxide synthase.
    • Đây là cách làm tăng huyết áp tiềm tàng nguy hại, vì nó có thể làm giảm tưới máu vi tuần hoàn.
    • Trước đây, một chất ức chế tổng hợp NO được chứng minh là làm tăng tỷ lệ tử vong trong sốc nhiễm khuẩn (14707556).
  • (2) Xanh methylene ức chế sự chuyển đổi GTP thành cGMP (một phân tử tín hiệu nội bào gây giãn mạch).
  • (3) Xanh methylene có thể tiếp nhận các electron từ NADH và chuyển chúng đến cytochrome C trong ty thể, do đó “bắc cầu” qua các phần của chuỗi vận chuyển điện tử. Điều này có thể khôi phục chức năng ty thể trong một số tình huống khi mà các thành phần của chuỗi vận chuyển điện tử bị rối loạn chức năng, ví dụ như ngộ độc metformin (28840449).

Các chỉ định phổ biến

  • Sốc giãn mạch kháng trị vì mọi nguyên nhân.
    • Đặc biệt là sau phẫu thuật tim - ngực.
    • Có thể trong: sốc nhiễm khuẩn, sốc phản vệ.
  • Ngộ độc metformin.

Liều

  • #1) Liều thử nghiệm là 2 mg/kg truyền trong 15 phút.
    • Nếu không đáp ứng, hãy thử một thuốc hoặc một chiến lược điều trị khác.
    • Nếu đáp ứng, xem xét khởi động truyền liên tục…
  • #2) Truyền liên tục:
    • Khoảng liều là 0.25 - 2 mg/kg/giờ.
    • Có thể tiếp tục đến 48-72 giờ. Cai dần khi huyết động cải thiện.

Tác dụng phụ tiềm tàng/Chống chỉ định

  1. Ức chế cGMP có thể làm tăng kháng lực mạch máu phổi, từ đó làm giảm chức năng thất phải và giảm oxy hóa máu. Đây có lẽ là một vấn đề nan giải ở ngưỡng liều cao hơn.
  2. Nồng độ cao xanh methylene có thể cản trở máy đo độ bão hòa oxy qua mạch đập (SpO2), vấn đề này chủ yếu gặp khi sử dụng liều bolus.
  3. Xanh methylene có thể hoạt động như một chất oxy hóa ở liều cao (vd: >7 mg/kg). Điều này có thể gây methemoglobin máu. Ở những bệnh nhân thiếu hụt G6PD, việc này cũng gây thiếu máu tán huyết.
  4. Xanh methylene ức chế monoamine oxidase A (MAO), từ đó làm tăng nồng độ serotonin ở não. Việc này có thể gây hội chứng serotonin khi có thêm một thuốc đồng vận serotonergic khác.
  5. Xanh methylene có thể ức chế chuyển hóa enzyme CYP, dẫn đến tích tụ một số loại thuốc (vd: digoxin, warfarin, fentanyl).
  6. Chống chỉ định ở phụ nữ có thai (do nguy cơ co mạch nhau thai và thiếu oxy thai nhi).

Các sai lầm cần tránh

(quay lại mục lục)

  • Sử dụng dopamine (có nhiều thuốc khác tốt hơn).
  • Thất bại trong việc chuẩn độ liều vận mạch tích cực để xác định hiệu ứng sinh lý của từng loại thuốc với từng bệnh nhân cụ thể. Không thể tiếp cận với thuốc như được mô tả trong sách giáo khoa (kể cả bài viết này!). Bằng cách liên tục điều chỉnh tốc độ truyền, thường có thể biết được thuốc nào hiệu quả nhất. Mục tiêu luôn là sử dụng tổng liều vận mạch cần thiết tối thiểu để đạt được các mục tiêu về huyết động, vì vậy nếu một thuốc có vẻ như không đem lại hiệu quả gì, hãy ngưng nó.
  • Truyền vasopressin liên tục dù có bằng chứng giảm tưới máu ngọn chi.
  • Sử dụng vận mạch quá mức (đặc biệt là phối hợp norepinephrine và vasopressin), có thể dẫn đến hiện tượng sốc co mạch do điều trị ở những bệnh nhân có chức năng tim kém (trong đó co mạch quá mức làm giảm cung lượng tim, gây sốc tim cung lượng thấp). Hãy cảnh giác hiện tượng này. Khi gặp phải, hãy xem xét bổ sung epinephrine và giảm liều thuốc co mạch.
  • Sử dụng thuốc có hoạt tính đồng vận beta ở những bệnh nhân rung nhĩ đáp ứng thất nhanh.
  • Không tăng liều norepinephrine vượt quá “giới hạn trên” tùy ý do bệnh viện hoặc “văn hóa” địa phương áp đặt (thực tế không có giới hạn trên đối với liều norepinephrine).
  • Sợ sử dụng epinephrine do lo ngại nó làm tăng lactate (tăng nồng độ lactate do epinephrine có thể có lợi trong hầu hết trường hợp).
  • Trì hoãn vận mạch để chờ đợi đường truyền trung tâm (thay vào đó, nên sử dụng vận mạch đường ngoại vi để nhanh chóng ổn định bệnh nhân).

Tài liệu tham khảo

  • 14707556 López A, Lorente JA, Steingrub J, Bakker J, McLuckie A, Willatts S, Brockway M, Anzueto A, Holzapfel L, Breen D, Silverman MS, Takala J, Donaldson J, Arneson C, Grove G, Grossman S, Grover R. Multiple-center, randomized, placebo-controlled, double-blind study of the nitric oxide synthase inhibitor 546C88: effect on survival in patients with septic shock. Crit Care Med. 2004 Jan;32(1):21-30. doi: 10.1097/01.CCM.0000105581.01815.C6 [PubMed]
  • 18654759 Myburgh JA, Higgins A, Jovanovska A, Lipman J, Ramakrishnan N, Santamaria J; CAT Study investigators. A comparison of epinephrine and norepinephrine in critically ill patients. Intensive Care Med. 2008 Dec;34(12):2226-34. doi: 10.1007/s00134-008-1219-0 [PubMed]
  • 20200382 De Backer D, Biston P, Devriendt J, Madl C, Chochrad D, Aldecoa C, Brasseur A, Defrance P, Gottignies P, Vincent JL; SOAP II Investigators. Comparison of dopamine and norepinephrine in the treatment of shock. N Engl J Med. 2010 Mar 4;362(9):779-89. doi: 10.1056/NEJMoa0907118 [PubMed]
  • 26323041 Ventura AM, Shieh HH, Bousso A, Góes PF, de Cássia F O Fernandes I, de Souza DC, Paulo RL, Chagas F, Gilio AE. Double-Blind Prospective Randomized Controlled Trial of Dopamine Versus Epinephrine as First-Line Vasoactive Drugs in Pediatric Septic Shock. Crit Care Med. 2015 Nov;43(11):2292-302. doi: 10.1097/CCM.0000000000001260 [PubMed]
  • 26953217 Whitson MR, Mo E, Nabi T, Healy L, Koenig S, Narasimhan M, Mayo PH. Feasibility, Utility, and Safety of Midodrine During Recovery Phase From Septic Shock. Chest. 2016 Jun;149(6):1380-3. doi: 10.1016/j.chest.2016.02.657 [PubMed]
  • 27483065 Gordon AC, Mason AJ, Thirunavukkarasu N, Perkins GD, Cecconi M, Cepkova M, Pogson DG, Aya HD, Anjum A, Frazier GJ, Santhakumaran S, Ashby D, Brett SJ; VANISH Investigators. Effect of Early Vasopressin vs Norepinephrine on Kidney Failure in Patients With Septic Shock: The VANISH Randomized Clinical Trial. JAMA. 2016 Aug 2;316(5):509-18. doi: 10.1001/jama.2016.10485 [PubMed]
  • 28840449 Tucker D, Lu Y, Zhang Q. From Mitochondrial Function to Neuroprotection-an Emerging Role for Methylene Blue. Mol Neurobiol. 2018 Jun;55(6):5137-5153. doi: 10.1007/s12035-017-0712-2 [PubMed]
  • 32885276 Santer P, Anstey MH, Patrocínio MD, Wibrow B, Teja B, Shay D, Shaefi S, Parsons CS, Houle TT, Eikermann M; MIDAS Study Group. Effect of midodrine versus placebo on time to vasopressor discontinuation in patients with persistent hypotension in the intensive care unit (MIDAS): an international randomised clinical trial. Intensive Care Med. 2020 Oct;46(10):1884-1893. doi: 10.1007/s00134-020-06216-x [PubMed]